Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ CỦA ĐẢNG TA

 

           Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu, giàu tính nhân văn của dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng ta luôn được phát triển và hoàn thiện trong các giai đoạn cách mạng. Trên cơ sở kế thừa đường lối đối ngoại qua các kỳ đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và định hình các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; là nguyên tắc “bất biến” để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Phương châm này khẳng định bản chất, nguồn gốc cũng như điều kiện của sức mạnh ngoại giao Việt Nam là thực lực. Hồ Chí Minh khẳng định: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to tiếng mới lớn”.

Điều kiện để bảo đảm độc lập, tự chủ về đối ngoại hiện nay là giữ vững ổn định về chính trị - xã hội; kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững; củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh; xây dựng nguồn nhân lực đối ngoại trung thành và chuyên nghiệp; đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại; thiết lập và duy trì được trạng thái quan hệ quốc tế cân bằng với các nước lớn, các trung tâm tài chính, kinh tế lớn, các nhóm, khối nước khu vực có ảnh hưởng lớn trên thế giới.

 Độc lập, tự chủ của Việt Nam hoàn toàn khác về bản chất và luôn xa lạ với tư tưởng biệt lập, khép kín, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và biệt phái, đồng thời khắc phục sự lệ thuộc, chống sự áp đặt, lôi kéo, chi phối, can thiệp vào công việc nội bộ hay bị động, bất ngờ trước những diễn biến của môi trường quốc tế. Độc lập, tự chủ nhưng cần gắn với đoàn kết, hợp tác quốc tế, luôn phát huy tính chủ động trong việc tham gia vào các công việc chung của cộng đồng khu vực và quốc tế; phải có tầm nhìn  chiến lược, khả năng bao quát, dự báo được những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức; phải luôn đề cao cảnh giác trong quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, hạn chế thấp nhất những khác biệt, bất đồng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét