Trong quá trình thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống
Việt Nam, các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước luôn
chú ý lợi dụng vấn đề tôn giáo, coi đây là một trong những mũi tiến công chủ đạo
nhằm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Do đó, việc nhận diện và đấu
tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước có ý nghĩa
quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tính đến tháng
9/2021, nước ta có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp
đăng ký hoạt động, với gần 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số. Ngoài
ra, còn có khoảng 140 tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân với
khoảng 1 triệu tín đồ, đa phần sinh hoạt tại gia hoặc thuê, mượn
địa điểm sinh hoạt tôn giáo, không có cơ sở thờ tự. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước
luôn nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
của công dân, tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo tại Việt Nam đã đạt được
nhiều kết quả hết sức quan trọng, được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận,
đánh giá cao.
Hệ thống chính sách, pháp luật
về tôn giáo được kịp thời bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng thực tiễn đời sống tín
ngưỡng, tôn giáo và phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Các tổ chức tôn giáo được tạo thuận lợi trong hoạt động và ngày càng phát triển
về mọi mặt; đồng bào các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng,
sự quản lý của Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tích cực tham gia
phát triển kinh tế - xã hội, gắn bó, đồng hành với dân tộc.
Tuy nhiên, các thế lực thù
địch không chấp nhận thực tế trên và chúng ráo riết tìm mọi cách lợi dụng vấn
đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đặc biệt, những năm gần đây, lợi
dụng chính sách đối ngoại và chính sách tôn giáo của ta ngày càng cởi mở hơn, các đối tượng gia tăng lợi dụng vấn đề tôn giáo để tạo sức ép
từ bên ngoài, tìm cách gây mất ổn định an ninh chính trị ở bên trong, nhằm tiến
tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nổi lên hiện nay là một
số hoạt động sau:
Một là, tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước
ta vi phạm quyền tự do tôn giáo. Lợi dụng tính
chất nhạy cảm của tôn giáo và một số hạn chế, thiếu sót của chính quyền các địa
phương trong công tác tôn giáo, thời gian qua, các thế lực thù địch cùng với bọn
phản động trong và ngoài nước đã ra sức tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tôn
giáo và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.
Hai là, lợi dụng các vấn đề tiêu cực trong xã hội, các
vụ việc phức tạp liên quan tôn giáo để kích động chức sắc, tín đồ gây mất ổn định
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay,
bên cạnh những thành tựu là cơ bản, không tránh khỏi một số hạn chế, khiếm khuyết
trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực như: kinh tế,
y tế, môi trường, giáo dục, đất đai, tư pháp…
Ba là, gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc để kích
động tư tưởng ly khai, tự trị. Lợi dụng một số
vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội,
trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu…, thời gian qua các thế lực
thù địch và bọn phản động lập ra nhiều tổ chức núp bóng dưới danh nghĩa tôn
giáo để tập hợp, lôi kéo đồng bào dân tộc; để từ đó, dùng thần quyền, giáo lý
chi phối họ tham gia các hoạt động chống Đảng, Nhà nước.
Trên cơ sở nhận diện hoạt động lợi
dụng vấn đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước nói trên, thời gian tới để góp phần đấu
tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch,
các ban ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung thực
hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường công tác tuyền truyền về chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo và âm mưu, hoạt động lợi
dụng tôn giáo chống Đảng, Nhà nước để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nâng
cao cảnh giác, tuân thủ nghiêm pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo cũng như quy
định khác liên quan. Công tác tuyên truyền cần được tiến hành thường xuyên,
liên tục và với nhiều hình thức đa dạng, đi vào đời sống của người dân.
Hai là, tiếp tục quan tâm củng cố hệ thống chính trị cơ sở
vững mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chính sách pháp luật
của Đảng, Nhà nước về tôn giáo để chủ động phát hiện những sơ hở, thiếu sót và
kịp thời có biện pháp khắc phục. Tổ chức tốt việc nắm bắt tâm tư, giải quyết
những nguyện vọng chính đáng của đồng bào chức sắc, tín đồ các tôn giáo.
Ba là, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc,
nhất là địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo. Phải coi đây là một công tác
trọng tâm, cơ bản đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự
điều hành quản lý của chính quyền và huy động được các ngành, các cấp cùng tham
gia.
Bốn là, thực hiện tốt công tác tranh thủ chức sắc, người có
uy tín trong các tôn giáo nhằm thúc đẩy xu hướng hoạt động tôn giáo thuần túy,
tuân thủ pháp luật và đồng hành cùng dân tộc. Chú trọng phát huy vai trò của
chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn
chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề
tôn giáo chống Đảng, Nhà nước và góp phần giải quyết những vấn đề phức tạp nảy
sinh trong tôn giáo.
Năm là, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn
đề tôn giáo chống Đảng, Nhà nước. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết xử
lý các hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật, đảm bảo tính thượng tôn
pháp luật.
Như vậy, một
lần nữa chúng ta khẳng định chắc chắn rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái
gọi là đàn áp tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo chỉ là chiêu trò mà
các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng để nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và
Nhà nước Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét