Thời gian qua, khi chính trường thế giới
liên tục dậy sóng trước những căng thẳng leo thang xoay quanh đến xung đột giữa
Nga và Ukraine. Mặc dù Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm chính thức về
xung đột Nga - Ukraine, đó là Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang
căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt
được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trên các trang mạng, diễn đàn, tài khoản mạng xã hội của các
tổ chức, cá nhân thù địch, chống đối liên tục đăng tải tin, bài có nội dung phê
phán, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong quan điểm,
cách nhìn nhận, ứng xử trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa Nga và
Ukraine. Cá biệt, có luận điệu xuyên tạc rằng, phải chăng Việt Nam đang ngấm ngầm
ủng hộ cho cuộc chiến tranh, quay lưng với hoà bình? Ở phương diện khác, từ những
ý kiến, lời bình của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam về tình hình chiến
sự tại Ukraine trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các đối tượng đã “cắt
xén”, “thêm thắt”, bịa đặt, làm sai lệch thông tin để quy kết cho phần lớn lãnh
đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ Nga, chính quyền Putin cũng như cuộc chiến
tranh “xâm lược Ukraine”… Từ đó hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch
về Việt Nam, đồng thời thông qua đó nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của Đảng,
Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Để thấy rõ được tính chất sai trái, xuyên tạc trong luận điệu,
đồng thời chủ động trong nhận diện, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả. Đầu
tiên, phải khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia yêu chuộng và luôn đề cao hòa
bình, hòa hợp dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử ngàn năm dựng nước
và giữ nước, đi qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, gian khổ, với muôn vàn
đau thương, mất mát và hy sinh. Hơn ai hết toàn thể Nhân dân Việt Nam ý thức rõ
được giá trị của nền hòa bình, độc lập, tự do. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước và
Nhân dân Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và cũng không
bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào, như đã và đang xảy ra
tại Ukraine. Điều dễ dàng nhận thấy, trên các phương tiện truyền thông đại
chúng Việt Nam những ngày qua liên tục phát đi “thông điệp” thể hiện rõ quan điểm
của Đảng, Nhà nước Việt Nam không ủng hộ xung đột quân sự xảy ra tại Ukraine, đồng
thời tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh những động thái
gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh hưởng xấu đến hòa bình, ổn định
toàn cầu; đe dọa nghiêm trọng đến sinh mệnh của binh lính và người dân vô tội ở
các nơi xảy ra xung đột.
Kiên định đường lối đối ngoại trung lập, độc lập, tự chủ, hòa
bình, hợp tác, phát triển; tôn trọng và đảm bảo lợi ích quốc gia – dân tộc trên
cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp quốc và luật pháp quốc tế,
bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Đây là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên
suốt trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo, điều hành, tổ chức và quản lý công tác đối
ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đặc biệt, trong quan hệ đối ngoại, Đảng,
Nhà nước ta luôn kiên trì thực hiện chính sách “năm không”: Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước
khác, không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất
kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt
Nam và không liên kết nước này để chống nước kia. Do đó, đối với vấn đề
xung đột giữa Nga và Ukraine vừa qua, Việt Nam luôn đứng ở vị trí trung lập để
xem xét, nhìn nhận, đánh giá, phát ngôn và hành động. Điều đó được thể hiện
thông qua các phát biểu gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Ngoại
giao lần thứ 31 đã nhấn mạnh quan điểm ngoại giao: “Tinh thần là chúng ta không
“chọn bên” mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và
phát triển” và của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp
báo diễn ra vào ngày 23/2 cũng như phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng
phái Đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc tại phiên họp đặc biệt của Đại
hội đồng Liên Hiệp quốc ngày 01/3 đều khẳng định quan điểm nhất quán của Việt
Nam là kêu gọi chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm
giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ
phát ngôn và hành động nào đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải
quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không “thiên vị” hay
đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine.
Từ những vấn đề trên, có thể khẳng định rằng, tinh thần hòa
bình, hữu nghị, nhân văn, thận thiện, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa
trong chính sách ngoại giao của Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối với xung đột
giữa Nga và Ukraine thời gian qua, không đơn thuần là sự tiến bộ, cách mạng của
chính sách, chủ trương, mà tinh thần ấy đã trở thành một trong những nét đẹp của
bản sắc Việt, là tinh hoa, là hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Và như vậy, thêm một
lần nữa, chính sách ấy lại chứng minh được giá trị của mình và quan trọng là nó
đã góp phần đập tan những âm mưu, ý đồ, chiêu trò chống phá sự nghiệp cách mạng
nước nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét