Trong những ngày tháng Ba lịch sử, muôn triệu trái tim người dân
Việt Nam lại hướng về Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng
liêng của Tổ quốc, thành kính tri ân những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu đến
hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sự kiện ngày 14/3/1988, gắn với những địa danh Cô Lin, Gạc Ma, Len
Đao, đã trở thành bất tử trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ
quốc. 34 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau về Gạc Ma vẫn còn đó trong tâm trí những
người sống sót, những thế hệ sau này khi nghe những câu chuyện của các cha anh
kể lại.
Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép các bãi đá
Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt
Nam. Để ngăn chặn việc Trung Quốc mở rộng phạm vi chiếm đóng, tại các đảo Tiên
Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, Tốc Tan, hải quân Việt Nam xây dựng thế trận phòng
thủ. Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho các tàu gấp rút đưa bộ đội, công binh ra xây
dựng đảo, tiến hành chiến dịch Bảo vệ chủ quyền 1988 (CQ-88).
Tháng 3/1988, sau một lần phải trở về do gặp bão, đêm 11/3, tàu HQ
604 lặng lẽ ra khơi. Điểm đến là đảo đá Gạc Ma. Đây là một rạn đá ngầm được bao
quanh bởi vành đai san hô trắng. Khi nước triều xuống, hòn đảo như một vệt đá
trải dài giữa biển.
Rạng sáng 14/3, tổ bảo vệ cờ do Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó chỉ
huy trưởng đảo Gạc Ma - đổ bộ lên đảo chìm để cắm cờ. Cùng lúc đó, nhóm công binh
của Trung đoàn công binh 83 cũng vận chuyển vật liệu đưa xuống xuồng vào đảo
Gạc Ma để làm nhà cao chân.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngay lập tức đều động 4 xuồng máy chở khoảng
hơn 50 lính vũ trang, đổ bộ lên đảo, nhổ cờ Việt Nam. Khi quân Trung Quốc xông
vào cướp cờ, Trần Văn Phương cùng các chiến sĩ thuộc quyền lao vào giành giật
lại. Các chiến sĩ công binh hỗ trợ với cuốc, xẻng, gạch đá giao chiến để tránh
gây cớ bùng nổ xung đột vũ trang. Trong lúc giành giật, lính Trung Quốc nổ súng
bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư.
Sau đó, các tàu Trung Quốc nã đạn bắn chết và trọng thương các chiến sĩ trên đá
Gạc Ma.
Tàu HQ 604 tìm cách tiếp cận đảo cũng bị tàu Trung Quốc b.ắn chìm.
Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và chỉ huy trưởng cụm đảo Sinh Tồn Trần Đức Thông cùng
một số thủy thủ hy sinh theo tàu. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương
hô vang: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ
truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam anh hùng”. Nói xong, anh gục
xuống, tay vẫn giữa chặt lá cờ Tổ quốc thẫm đẫm máu của mình và đồng đội…
Một phần thân thể của nước Việt Nam đang còn trong tay quân xâm
lược. Dưới lòng biển Gạc Ma, xương máu anh linh người lính Việt vẫn còn đó,
thao thức và khắc khoải hẳn sẽ nhắc nhở muôn đời nỗi đau này với chúng ta những
con dân đất Việt trời Nam.
Ngày nay đến dâng hương tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, huyện
Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ và
mỗi người dân Việt Nam về tinh thần quật khởi, hy sinh vì đất nước. Trong tâm
thức mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi công lao của những người con đã ngã
xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt
Nam. Những hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa trước sự hy sinh của 64 cán bộ,
chiến sỹ hải quân Việt Nam xuất phát từ tiếng gọi sâu thẳm, thiêng liêng bởi
hai từ Tổ quốc; là sự chung sức, đồng lòng của muôn triệu người dân Việt Nam vì
chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ, cương vực bất khả xâm phạm của Tổ
quốc; là ý chí quật cường, truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất từ hàng
ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét