Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM

 

Vào ngày 14/12/2021, Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đất nước ta vừa có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn so với dự báo.

Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.

Một trong bài học được chỉ ra đó là: “Xây dựng và phát triển nền Đối ngoại, Ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc” cần thực hiện một số vấn đề như sau:

Thứ nhất:  Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, đẩy mạnh đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế. Xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn theo quan điểm thận trọng, cân bằng, tạo thế đan xen lợi ích, không phụ thuộc vào bất cứ nước nào, không đi với nước này để chống nước kia.

Thứ Hai: Phải luôn đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu trong tất cả các mối quan hệ, phấn đấu cho lợi ích cao nhất của dân tộc. Kết hợp hài hoà sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dân tộc với quốc tế, trong đó yếu tố trong nước giữ vai trò quyết định.

Thứ ba: Phát huy truyền thống hoà hiếu, yêu chuộng hoà bình của dân tộc ta, kiên trì chính sách đối ngoại hoà bình hữu nghị, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.

Thứ tư: Luôn nắm vững và kiên định phương châm vừa hợp tác vừa đấu tranh trong quan hệ quốc tế, quán triệt sâu sắc nhận thức về đối tác và đối tượng trong tình hình mới. Giữ vững nguyên tắc chiến lược, mềm dẻo trong sách lược.

Thứ năm: Không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân để tạo ra sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại. Công tác đối ngoại phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước.

Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng đây là chính sách đánh một dấu mốc mới và tạo nên bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa cho công tác đối ngoại.

Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao "Cây tre Việt Nam"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét