Bảo vệ chính trị
nội bộ là một nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ;
đồng thời, là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh
đốn Đảng, đảm bảo để Đảng luôn trong sạch vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu của
tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Xác định được tầm quan trọng như vậy, cho nên
trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, công tác bảo vệ chính trị nội bộ luôn gắn liền
với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đó chính là nền tảng quan trọng cho việc
giữ vững an ninh chính trị của Đảng, Nhà nước.
Để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, hệ thống
các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ qua các nhiệm kỳ Đại hội
của Đảng đã được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của thực
tiễn. Trong đó nổi bật như: Quyết định 42-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức
bộ máy của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương (Bộ Chính trị ban hành ngày
15/7/2002); Chỉ thị số 39-CT/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ Chính trị nội bộ
trong tình hình hiện nay” (Bộ Chính trị khóa XI ban hành ngày 18/8/2014); Quy định
số 126-QĐ/TW “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” (Bộ Chính trị khóa
XII ban hành ngày 28/2/2018) thay thế Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3/5/2007 của Bộ
Chính trị khóa X “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và Hướng dẫn số
19-HD/BTCTW ngày 12/9/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện một số điều
trong Quy định số 126-QĐ/TW… và mới đây nhất ngày 14/3, Ban Tổ chức Trung ương
tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW, ngày
08/02/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”.
Có thể thấy công
tác bảo vệ chính trị nội bộ không chỉ có thêm những nội dung mới, cụ thể, chặt
chẽ hơn mà còn chuyển trọng tâm từ việc xem xét các vấn đề lịch sử sang nắm bắt
và giải quyết những vấn đề chính trị hiện nay, gắn với việc phòng và chống sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị theo đúng tinh thần
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng
hiện nay"; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
trong nội bộ". Kết luận số 21 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khoá XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị;
kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự
chuyển hoá"…
Trong những năm
qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được triển khai thường xuyên, liên tục
trong cả hệ thống chính trị; từ Trung ương đến địa phương qua đó đã góp phần
quan trọng trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng
lớp nhân dân; nâng cao bản lĩnh chính trị và nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng
viên để chủ động phòng và đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chiến
lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ nhằm phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng của các thế lực
thù địch…
Vì thế, việc các thế lực thù địch cho rằng, bảo vệ
chính trị nội bộ là do "sự suy thoái trong Đảng gia tăng" không chỉ
là sự xuyên tạc về chức năng, nhiệm vụ của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, mà
còn phủ nhận "sạch trơn" những thành tựu trong công tác xây dựng và
chỉnh đốn Đảng, nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Những luận điệu bịa đặt,
bôi đen này nếu không được chỉ ra, được nhận diện đúng, để từ đó nâng cao cảnh
giác thì ắt sẽ là một trong những nguyên nhân tạo ra những kẽ hở, "vết nứt"
để các phần tử xấu, phản động lợi dụng, tác động vào công tác chính trị nội bộ;
thậm chí lôi kéo, mua chuộc, chuyển hóa những người có tư tưởng bất mãn, lệch lạc,
suy thoái, dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; dẫn đến
phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng nói riêng, khối đại đoàn kết toàn
dân tộc nói chung./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét