Ngày 14/3/1988 là một ngày đặc biệt đối với người dân Việt Nam. Đó
là ngày Trung Quốc xua quân tấn công các chiến sĩ công binh của Việt Nam tại
khu vực Trường Sa. Máu đã loang trên mặt biển Đông. 64 chiến sĩ của chúng ta đã
mãi mãi không trở về. Nhiều bài viết gọi đây là cuộc “hải chiến Trường Sa”.
Cách gọi này hoàn toàn không đúng với bản chất của sự kiện. Bởi vì, bên Trung
Quốc đã dùng hải quân trang bị vũ khí tấn công, gồm cả pháo tầm xa, còn bên ta
chỉ là các chiến sĩ công binh với vũ khí bộ binh phòng vệ. Bản chất của nó phải
được gọi đúng tên là một cuộc thảm sát những người lính công binh Việt Nam do
lực lượng hải quân Trung Quốc gây ra.
Trung Quốc còn tàn độc hơn khi không cho phép các tàu của lực
lượng chữ thập đỏ ra cứu các nạn nhân, cho dù đây luôn là thông lệ quốc tế
trong chiến tranh.
Sự kiện đã diễn ra 34 năm, niềm đau thương, mất mát tưởng chừng
như lắng dịu. Tuy vậy, những bài học kinh nghiệm luôn cần được đặt ra, để làm
sao cho bánh xe lịch sử không lặp lại lần nữa.
Về phía Việt Nam, mặc dù tiềm lực còn hạn chế về mọi mặt nhưng
chúng ta cũng quyết tâm cho các lực lượng công binh ra xây dựng một số cấu trúc
tại Trường Sa, nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền. Sau khi chiếm được Gạc Ma
sau cuộc thảm sát ngày 14/3/1988, năm 1995 Trung Quốc chiếm thêm bãi Vành Khăn
từ tay Phillipines. Họ đã có tổng cộng bảy cấu trúc: Gạc Ma, Chữ Thập, Châu
Viên, Huy Gơ, Ga Ven, Xu Bi và Vành Khăn.
Kể từ năm 2014 đến nay, lợi dụng thế giới đang tập trung vào sự
kiện giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành bồi lấp
các cấu trúc tại Trường Sa, tổng diện tích bồi lấp lên tới 800 ha. Đến nay, tất
cả các cấu trúc này đều đã được xây dựng và trang bị các phương tiện quân sự
hiện đại, đóng vai trò như các “chiến hạm nổi” tại khu vực biển này.
Tuy nhiên dù Trung Quốc đang có thời nhưng Việt Nam không rơi vào
thế cùng như trước nữa. Về đối ngoại, Việt Nam đã thể hiện chính sách uyển
chuyển. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược cùng lúc với Trung Quốc và nhiều
cường quốc trên thế giới. Quan hệ quân sự giữa Việt Nam và nhiều cường quốc đã
liên tục phát triển. Tàu chiến Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… nhiều
lần ghé thăm Việt Nam. Mới đây, hàng không mẫu hạm Carl Vinson của Hoa Kỳ ghé thăm
cảng Đà Nẵng. Điều đó cho thấy quan hệ của Việt Nam với các quốc gia trên thế
giới đang phát triển đáng kể, kể cả với các cựu thù như Hoa Kỳ.
Thế của Việt Nam đã thay đổi, lực của Việt Nam cũng thay đổi theo.
Dù cho tiềm lực quân sự của Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc nhưng
cũng không phải là không có khả năng bảo vệ và gây thiệt hại cho đối phương nếu
bị đối phương gây hấn, tấn công. Việt Nam đã và đang đa dạng hóa nguồn vũ khí
của mình, từ tên lửa của Nga, Ấn Độ cho đến tàu chiến của Nga, Pháp… Việt Nam
cũng đang cân nhắc việc mua các vũ khí hiện đại từ Hoa Kỳ để tăng cường sức
mạnh phòng vệ trên biển.
Dù hòa bình, hợp tác là xu thế của thế giới hiện nay, thế nhưng
nguy cơ về xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trường Sa vẫn luôn
hiện hữu. Nếu không cảnh giác, tỉnh táo và chủ động, Việt Nam có thể sẽ bị cuốn
vào một cuộc xung đột như vậy trong tương lai.
Vì vậy, để tránh lặp lại sự kiện Gạc Ma, một mặt Việt Nam cần tiếp
tục phát triển chính sách đối ngoại đa phương, tích cực tham gia các diễn đàn
quốc tế, để tạo thế đứng trên trường quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần tăng cường
sức mạnh nội lực về kinh tế, quốc phòng. Mặc dù, chính sách quốc phòng của Việt
Nam tập trung vào bảo vệ Đất nước, nhưng nếu Việt Nam có sức mạnh quốc phòng
đáng kể sẽ khiến đối phương phải cân nhắc khi tấn công vũ trang, tạo sức mạnh
răn đe.
Trong sức mạnh quốc phòng ấy, thế trận lòng dân luôn là một phần
quan trọng, có tính chất quyết định trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
XHCN, hiện tại cũng như lâu dài./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét