Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

VU CÁO “THỂ CHẾ SINH RA THAM NHŨNG”


Trong xã hội chưa có giai cấp, nhà nước thì chưa có tham nhũng. Xã hội xuất hiện giai cấp, nhà nước, chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất thì bắt đầu xuất hiện tham nhũng. Bất cứ ở đâu có quyền lực nhà nước, xuất hiện quyền lực nhà nước thì ở đó có tham nhũng.

Theo từ điển Tiếng Việt: Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để tham ô và hạch sách, nhũng nhiễu dân. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Tóm lại: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Dấu hiệu nhận biết hành vi tham nhũng: Hành vi tham nhũng phải bao gồm đồng thời ba dấu hiệu đặc trưng sau: Thứ nhất, tham nhũng phải được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn.  Thứ hai, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao. Thứ ba, người thực hiện hành vi tham nhũng phải có mục đích, động cơ vụ lợi (vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng).

Nguyên nhân dẫn đến hành vi và phân loại tham nhũng: Hiện nay, tham nhũng là vấn đề mang tính toàn cầu nhưng đồng thời nó cũng chứa đựng những yếu tố đặc thù gắn với từng quốc gia. Về cơ bản mỗi quốc gia có những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng riêng. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở xem xét nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng của các nước trên thế giới, thấy rằng tuy có điểm riêng nhưng cũng có một số nguyên nhân, điều kiện mang tính chất chung, tương đồng, đó là: Sự phát triển của các hình thái Nhà nước, đặc biệt là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế, chính trị tạo ra tiền đề khách quan cho tham nhũng nảy sinh, phát triển. Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng nguồn gốc sâu xa của tệ tham nhũng là sự gặp nhau của hai nhân tố: Quyền lực công và lòng tham cá nhân. Tham nhũng là hệ quả tất yếu của của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế, xã hội lỏng lẻo, yếu kém. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thực thi pháp luật yếu kém cũng là một nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng. Phẩm chất chính trị đạo đức của đội ngũ có chức, có quyền bị suy thoái đặc biệt là suy thoái tư tưởng chính trị. Bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, với nhiều thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý tạo điều kiện cho một số cán bộ, công chức nhà nước sách nhiễu, ăn hối lộ của người dân, doanh nghiệp. Một số cơ chế “xin - cho”, đó là “mảnh đất màu mỡ” của tham nhũng. Chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là vấn đề tiền lương cho cán bộ, công chức chưa thỏa đáng.v.v.

Các hình thức nhận diện tham nhũng thường biểu hiện dưới các dạng sau: Tham nhũng vật chất, tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị, tham nhũng hành chính, tham nhũng kinh tế...

Tóm lại, bất cứ ở đâu có quyền lực nhà nước, xuất hiện quyền lực nhà nước thì ở đó có tham nhũng, bất kể đó là nhà nước XHCN hay TBCN và thực tế nhiều vụ án tham nhũng lớn đã bị vạch trần và xử lý ở các quốc gia TBCN là một minh chứng cho luận điệu cố tình xuyên tạc, chống phá, vu cáo, mị dân vấn đề tham nhũng ở Việt Nam. Mà chúng ta cần khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dám thừa nhận, dám kiên quyết đứng lên đấu tranh, vạch trần và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, “không có vùng cấm”, bất kể là ai, đó là điều đáng trân quý, đáng khâm phục của một Đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét