Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

“VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THỂ HIỆN TRONG ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP 2013”

 

Điều 4, Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Khẳng định mang tính lịch sử, tính tất yếu khách quan trên thể hiện ở những căn cứ chính trị, pháp lí sau: 

          Thứ nhất là, bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Vì là Đảng của giai cấp công nhân, nên Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng thể hiện ở chỗ: mục tiêu, lý tưởng của Đảng là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ. Đảng liên hệ mật thiết với quần chúng; lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển. Đảng ta không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là thống nhất với nhau. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

          Thứ hai là, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Xét về lý luận, quy định về đảng chính trị trong Hiến pháp mang tính phổ biến. Đó là quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Ngày nay, đảng chính trị đã trở thành hiện tượng phổ biến trên thế giới, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội và là nhân tố không thể thiếu trong quá trình chính trị và đời sống chính trị của hầu hết các nước. Hiến pháp của nhiều nước xây dựng chế định về đảng chính trị, đề cập đến nguyên tắc, cách thức thành lập; cách thức tổ chức của đảng; nguyên tắc hoạt động của các đảng chính trị. Việc thiết lập chế độ đa đảng hay một đảng là do điều kiện cụ thể mỗi nước, mỗi giai đoạn lịch sử quy định. Vấn đề là ở chỗ bản chất của đảng cầm quyền đó như thế nào, nó phục vụ cho giai cấp, tầng lớp xã hội nào, cho nhân dân hay chỉ cho một thiểu số giai cấp bóc lột. 

          Xét về thực tiễn, hơn 92 năm qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; đến 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi vẻ vang, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới vừa là minh chứng thực tiễn sinh động, vừa là cơ sở khoa học thực tiễn để khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là chính đáng, hợp lòng dân, hợp pháp.

          Thứ ba là, Hiến pháp năm 2013 bổ sung nội dung mới, yêu cầu về trách nhiệm của tổ chức Đảng và đảng viên. Khoản 2 Điều 4 quy định cụ thể trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, đó là “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Điều này vừa thể hiện bản chất của Đảng Cộng sản chân chính, vừa là điều kiện cho sự lãnh đạo của Đảng, vừa thể hiện trách nhiệm của Đảng trước nhân dân cũng như trách nhiệm của nhân dân đối với Đảng và xây dựng Đảng. Một Đảng mà không gắn bó mật thiết với nhân dân, không chịu sự giám sát của nhân dân, không chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình thì không phải là một Đảng cách mạng chân chính, không phải “là đạo đức, là văn minh” và càng không thể lãnh đạo được nhân dân. 

          Đồng thời, Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp cũng quy định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, pháp luật là tối thượng nên không chỉ tổ chức của Đảng mà mọi đảng viên đều phải có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật.  

          Việc quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định tính tất yếu, lịch sử, khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Những quan điểm mơ hồ, lệch lạc về đa nguyên, đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là ảo tưởng chính trị, không bao giờ trở thành sự thật ở Việt Nam ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét