Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

VIỆT NAM - ĐIỂM ĐẾN CỦA CÁC CÔNG TY ĐA QUỐC GIA

 

Nhờ chi phí lao động cạnh tranh, các chính sách ưu đãi về thuế và đầu tư, cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho nhu cầu sản xuất và lắp ráp của các công ty đa quốc gia.

Trong bài viết đăng tải trên trang Vietnam Briefing của Công ty Dezan Shira & Associates chuyên về tư vấn đầu tư ở châu Á, tác giả nhận định dù phải đối mặt một số thách thức do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan về đầu tư nước ngoài trong năm 2021 và có triển vọng tươi sáng trong năm 2022.

Bài viết dẫn số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Việt Nam cho biết, năm 2021, Việt Nam cấp phép cho 1.738 dự án mới. Riêng các khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn thu hút được 539 dự án FDI và 615 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký cấp mới 12,8 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2020. Theo tác giả bài viết, thời gian qua, Việt Nam không ngừng đưa ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp. Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh, chính phủ công bố một số gói hỗ trợ, như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có doanh thu dưới 8,8 triệu USD vào năm 2021. Các biện pháp hỗ trợ khác được ban hành dưới hình thức giảm tiền thuê nhà, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản trả một lần. Vì vậy, các khu công nghiệp là phương tiện đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư muốn bắt đầu hoạt động kinh doanh trong nước.

Việt Nam đã đón nhận nhiều dự án đầu tư quy mô lớn trong năm 2021, trong đó phải kể đến LG Display tăng vốn đầu tư vào Hải Phòng hơn 2 tỷ USD, Amkor Technology của Mỹ chọn Bắc Ninh để mở rộng nhà máy với khoản đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD từ nay đến năm 2035 hay LEGO xây nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương.

Ðề cập đến triển vọng năm 2022, tác giả bài viết đánh giá Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến cho nhu cầu sản xuất và lắp ráp của các công ty đa quốc gia. Truyền thông Trung Quốc cũng chung nhận định về vai trò và vị trí quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước khi đại dịch bùng phát, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện thoại di động, ti-vi, máy ảnh, thiết bị điện, cũng như lắp ráp vi mạch và vi mạch điện tử. Samsung Electronics sản xuất khoảng 180 triệu thiết bị điện tử mỗi năm, từ điện thoại di động đến ti-vi và tủ lạnh và Việt Nam chiếm 60% tổng sản lượng thiết bị toàn cầu của công ty này. Tổng vốn đầu tư của Foxconn vào Việt Nam năm 2020 là 1,5 tỷ USD và đầu tư thêm 700 triệu USD vào năm 2021, sau khi tuyển thêm 10 nghìn lao động địa phương. Các công ty như Sharp, Nintendo, Komatsu và Lenovo đều đã công bố kế hoạch thâm nhập hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Qualcomm cũng đã thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội - trung tâm R&D đầu tiên của công ty này ở Ðông Nam Á. Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam kỳ vọng sẽ có thêm nhiều công ty châu Âu, Mỹ và châu Á vào Việt Nam năm 2022.

Các chuyên gia nước ngoài đều nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một trung tâm sản xuất chi phí thấp nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có. Các dự án cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện giao thông thuận tiện kết nối các khu công nghiệp với cảng biển. Nhu cầu thuê đất và nhà xưởng xây sẵn dự kiến tăng mạnh trong năm 2022.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét