Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Cái nhìn đúng về nguồn cung xăng, dầu khan hiếm cục bộ?

 

          Chiều 9-2, trước diễn biến giá xăng, dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các điểm cầu tại các địa phương và doanh nghiệp cung ứng xăng, dầu để bàn giải pháp bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường trong nước.

          Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, buổi làm việc này diễn ra ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ mà trực tiếp là Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Ở thời điểm hiện tại, toàn ngành công thương phải xác định, bảo đảm nguồn cung xăng, dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung để phục vụ nền kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, ngay tại cuộc họp này, phải tìm và làm rõ được nguyên nhân khiến nguồn cung xăng, dầu khan hiếm và đề xuất được những giải pháp để giải tỏa.

          Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng, dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

          Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 13-3-2022. Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng, dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch). Ông Trần Duy Đông cho biết thêm, hiện Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng, dầu về cảng Việt Nam ngày 20-2-2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng, dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

          Lượng bán xăng, dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng, dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng, dầu.

          Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, trên cơ sở sản xuất kinh doanh, điều hành sản xuất của từng nhà máy, PVN kịp thời báo cáo, thông tin kịp thời tới Bộ Công Thương và các đối tác, đầu mối lớn như Petrolimex, Saigon Petro để điều phối nguồn cung. Trong đó, PVN chỉ đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn duy trò hoạt động vận hành an toàn, ổn định, liên tục, đồng thời tăng công suất lên 103%, ngày 7-2 là 105% và dự kiến nâng công suất tối đa là 108%. Với nhà máy Bình Sơn, Tập đoàn cũng chỉ đạo tăng 105% là thấp nhất, tương ứng với cung trên 30.000m3/tháng.

          Tập đoàn chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) tăng công suất tối đa pha chế từ nguồn; xây dựng kế hoạch nhập 70.000m3 xăng, dầu. Dự kiến, ngày 22-2 tới đây, lượng xăng, dầu này sẽ về đến Việt Nam.

          Đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn cũng chỉ đạo và yêu cầu đơn vị tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì, sản xuất kinh doanh. Mặt khác, thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành công suất tối đa có thể.

          Có hiện tượng găm hàng, để trục lợi

          Nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng, dầu những ngày qua ở một số tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hiệp hội Xăng, dầu Bùi Ngọc Bảo thông tin, nguyên nhân chủ yếu là do Nhà máy Nghi Sơn có sự suy giảm lọc dầu dẫn đến không bảo đảm nguồn cung cho các doanh nghiệp đầu mối.

          Bên cạnh đó, là do giá thế giới tăng cao. Chưa kể, một số doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil có thể tiếp cận thị trường nhập khẩu thuận lợi, nhiều doanh nghiệp nhỏ lại tiếp cận nhập khẩu khó khăn. Ông Bảo nhấn mạnh, Hiệp hội có hơn 40 thành viên, chiếm 85% sản lượng lưu thông trong nước. Ông khẳng định đến thời điểm này không thiếu nguồn cung xăng, dầu, tuy nhiên, mức độ không đồng đều. “Các đầu mối đều có mạng lưới bảo đảm được nguồn cung. Trong khi đó, có một số thương nhân phân phối gặp khó khăn trong tiếp cận đầu vào. Về tổng thể cân đối đủ”, ông Bảo thông tin.

          Tuy nhiên, Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo lưu ý, trong thời gian trước mắt thì vẫn đủ, nhưng cần có giải pháp tổng thể vì đến tháng 5 tới đây, chưa biết được tình hình sẽ như thế nào.

          Đồng tình ý kiến, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết, tình hình khan hiếm xăng, dầu thời gian vừa qua là hiện tượng mang tính chất cá biệt, không phải hiện tượng phổ biến trên thị trường toàn quốc, không mang tính chất đại diện về bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trên thị trường.

          Kết luận cuộc họp, sau khi lắng nghe ý kiến từ các địa phương, doanh nghiệp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu ở thời điểm này. Trước hết là do tình trạng đứt gãy nguồn cung ở Nhà máy Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an.

          Nguyên nhân thứ ba, có hiện tượng găm hàng, để trục lợi. Hiện tượng này diễn ra ở cả 3 loại hình doanh nghiệp: đầu mối, thương nhân phân phối và đặc biệt ở các cửa hàng bán lẻ. “Dứt khoát có hiện tượng này. Bởi theo báo cáo của các doanh nghiệp, Tập đoàn, nguồn cung xăng dầu đến thời điểm này vẫn đảm bảo đủ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

          Cũng theo Bộ trưởng, hiện tượng này đang chỉ rải rác ở một số địa phương nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu chúng ta không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ. “Không được chủ quan dù đây mới chỉ là hiện tượng. Nếu không tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm, đúng luật thì rất có thể sẽ là phổ biến và khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng chỉ đạo.

          Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải lên kế hoạch nhập khẩu đảm đảm nguồn cung trong mọi tình huống. Dứt khoát không để thiếu xăng dầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét