Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

CHÂN DUNG BBC TIẾNG VIỆT: HÓNG HỚT VÀ ÁC Ý


BBC (Vương quốc Anh) luôn tự hào về những giá trị mà họ theo đuổi khiến cho thông tin họ cung cấp trở nên đáng tin cậy, như một bài báo viết về mình đăng trên BBC Tiếng Việt: "Trang web của chúng tôi, cùng tivi và radio, hướng tới báo chí chính xác, trung lập, độc lập, công bằng.... Chúng tôi độc lập, trung lập, chân thực. Chúng tôi quyết tâm đạt chuẩn mực chính xác, trung lập cao nhất... Cam kết của chúng tôi về trung lập là trọng tâm của mối quan hệ niềm tin". Dù vậy, không khó để nhận thấy ngay từ ban đầu, BBC Tiếng Việt vốn đã mang theo tư duy của những con người cách xa Việt Nam hàng ngàn km. Nó hoàn toàn xa lạ và lệch lạc với hiện thực tại đất nước Việt Nam.

Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975, “Đài phát thanh BBC” duy trì cách thức hoạt động của Hugh Howes. Khi cuộc chiến tranh bước vào những ngày tháng cuối cùng, Đài phát thành BBC cử một nhân vật “máu mặt” thân chinh đến Việt Nam: Phó Ban Việt Ngữ Judy Stowe. Thế nhưng, nhiệm vụ của Judy Stowe hoàn toàn không liên quan đến việc đưa tin về tình hình tại Việt Nam. Mục đích của bà ta là thu thập những thành phần chống phá tiềm năng đưa về Anh để chuẩn bị cho công cuộc chống phá kịch liệt đã được lên kế hoạch từ trước. Như chính lời kể của Stowes: “Tôi tới Việt Nam vào ngày 11/3/1975. Nhiệm vụ Đài BBC giao cho tôi không phải là để làm phóng viên mà là để tuyển dụng nhân viên cho Ban Việt Ngữ mà lúc đó tôi là Phó Trưởng Ban.”

Kể từ đây, cũng như các trang mạng chống phá khác, đài phát thanh bbc từng bước lột bỏ vỏ bọc “công bình, thẳng thắn” trước đây để phơi bày chân tướng phá hoại, thù địch của nó. Và từ những năm 1997, khi Thế giới Vụ BBC thay đổi cách thức và chuyển quyền điều hành các “Ban Ngôn ngữ” từ người Anh sang người nói tiếng bản xứ, các hoạt động chống phá của “Ban tiếng Việt” càng trở nên tinh vi, thâm hiểm hơn trước.

Dường như có một “đặc điểm” khá nổi bật của BBC Tiếng Việt kể từ khi người gốc Việt lên nắm quyền tại đây, đó là sau mỗi “đời” lãnh đạo, tần suất và mức độ xuyên tạc, phá hoại lại ngày càng hung hãn và lộng ngôn hơn trước. Giai đoạn 1997-2001, Trưởng ban gốc Việt đầu tiên Trần Hữu Hạnh vẫn còn phần nào giữ được sự trung thực của nghề báo, dù là một trong những người đầu tiên sử dụng chiêu bài “dân chủ, tự do” tại Việt Nam. Sang đến Nguyễn Giang và nay là Lê Quỳnh, thái độ thù địch, chống phá của các đối tượng vận hành BBC Tiếng Việt ngày càng rõ rệt.

Để duy trì sự tồn tại một cách hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, các “ký giả” của BBC Tiếng Việt khá tinh vi và khôn ngoan khi luôn tỏ ra là kẻ khách quan, trung lập trong việc đưa tin. Các “phóng viên” thường trú của BBC Tiếng Việt được chỉ đạo tác nghiệp báo chí thuần túy bằng cách lấy tin, phỏng vấn nhưng chưa bao giờ để lộ ý đồ chống phá khi hoạt động tại Việt Nam. Mặt khác, các “phóng viên thường trực” rất hiếm khi trực tiếp ký tên trên các “bài báo” trên BBC Tiếng Việt mà thông qua “thư ký”, “đồng nghiệp” hoặc dùng bút danh để che đậy việc làm của mình.

Cũng chính vì lý do này, thành viên của BBC Tiếng Việt có thể được xem là khá “thành công” so với các “đồng nghiệp” tại RFA. Bởi các “nhà báo RFA” như Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Văn Hóa, Trương Duy Nhất… đều đã lần lượt bị khởi tố, xét xử vì các hành vi phát tán hàng trăm ngàn tài liệu chống phá, kích động gây rối an ninh trật tự, đe dọa an ninh quốc gia với đầy đủ tang chứng, vật chứng. Ngược lại, “hiện tượng bị bắt” lại chưa bao giờ xảy ra với các đối tượng thuộc BBC Tiếng Việt.

Nhưng không phải vì thế mà BBC Tiếng Việt lại tỏ ra “kém cạnh” với các trang mạng khác. Các hoạt động “đưa tin” của BBC Tiếng Việt thực chất luôn được lồng ghép một cách tinh vi những nội dung xuyên tạc, bịa đặt. Chiêu bài quen thuộc nhất của trang BBC Tiếng Việt là thủ thuật “cắt xén” thông tin theo chiều hướng tiêu cực, bôi đen hình ảnh xã hội và con người Việt Nam. Bất chấp thực tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ về mọi mặt với những bằng chứng không thể phủ nhận, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, BBC Tiếng Việt vẫn đều đặn “lược bớt”, lấp liếm hầu hết những thông tin tích cực liên quan đến Việt Nam.

Trong các tình huống khó có thể “lược bỏ” thông tin bởi tính rộng khắp của chúng, BBC Tiếng Việt sẽ tiến hành thủ thuật khác mà chúng gọi là “ý kiến, bình luận”. Ở giai đoạn trước, khi thành tích chống dịch COVID-19 của Việt Nam khiến thế giới ngạc nhiên và đánh giá là một hiện tượng để phân tích, tìm hiểu, chúng ta gần như không thấy trên hệ thống BBC Tiếng Việt những nội dung khách quan ghi nhận sự hiệu quả của các chính sách chống dịch tại Việt Nam. Hiện nay, khi dịch diễn biến căng thẳng do sự xuất hiện của biến thể nguy hiểm Omicron, người ta thấy những cây bút của BBC Tiếng Việt tích cực triển khai các nội dung ác ý: Chỉ tập trung xoáy vào những hạn chế, tiêu cực, như lượng mắc mới "kỷ lục" (tại Việt Nam, so với trước đây), số người tử vong (mà không nói rõ tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc), hay những phát ngôn bị "bứng" riêng ra khỏi ngữ cảnh để bình luận...

Chẳng hạn, khi dẫn lại lời của Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM đăng trên Báo Dân trí, fanpage của BBC Tiếng Việt cố tình ngắt riêng lời phát biểu về việc hạn chế hú còi xe cứu thương "ngày đêm" (để tránh tạo tâm lý hoang mang không đáng có). Trong bài đăng này, họ đưa ra câu hỏi dẫn dắt để điều hướng độc giả tới những bình luận mỉa mai, sai lệch.

Ở một trường hợp khác, độc giả đều hiểu ý của Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ông phát biểu: "Chủ tịch phường là chỉ huy trưởng trong trận đánh này". Tuy nhiên, fanpage của BBC Tiếng Việt lại trích riêng câu nói này để... bình luận theo hướng xuyên tạc, bóp méo kiểu "sao tướng quân đội lại cho rằng chỉ huy trận đánh là bên dân sự?". Đừng nói rằng, do "hoạt động trên mạng xã hội" nên BBC Tiếng Việt phóng ngôn như vậy. Tư duy làm nội dung nói trên hiện diện ở nhiều bài báo trên trang của họ.

Trong bài báo nói về việc quân đội tham gia chống dịch ở TP.HCM, BBC rút tít phụ "Người dân nói gì trên mạng" như một vế đối với tít phụ "Báo chí trong nước đưa tin" phía trên, nhưng "ý kiến người dân" mà họ trích đăng hoàn toàn một chiều, không đại diện cho số đông, có những phát biểu thiếu hiểu biết hoặc cố tình không hiểu như "mang quân đội vào làm gì?".

Rõ ràng, đó không phải là cách làm báo tử tế, không phải trung lập và khách quan như những giá trị mà BBC tự hào là thuộc về mình, nó thể hiện sự hằn học thấy rõ. Từ những dòng trạng thái trên fanpage đến các bài báo trên web, BBC Tiếng Việt nhiều lần để lộ sự thiếu thiện ý. Đó là kiểu khi thấy "nhà người ta có chuyện" thì góp lời đâm chọc một cách có chủ ý và thiếu tính xây dựng, thậm chí như cố tình phá rối, làm phức tạp thêm tình hình. Chắc chắn một khi đã ác ý, báo chí sẽ không còn là chính mình nữa bởi như đã nói ở trên, điểm cốt lõi của báo chí khiến cho ngành này trở nên đặc biệt hơn tất thảy các ngành truyền thông khác chính là sự khách quan.

Dĩ nhiên, ở chiều ngược lại thì BBC Tiếng Việt cũng luôn tỏ ra nhanh nhảu và hào hứng khi Việt Nam phát hiện các hiện tượng tiêu cực. Mà theo như cái cách mà BBC Tiếng Việt vẫn tự bào chữa cho mình thì đó là “tôn chỉ hoạt động”. Những sự việc “nóng” gây bức xúc dư luận luôn được BBC Tiếng Việt xem là mảnh đất màu mỡ để bơm đặt, thổi phồng những mặt trái của xã hội để đổ lỗi cho chính quyền, chế độ. Nhìn vào cái cách mà BBC Tiếng Việt tỏ ra hứng khởi trước các sự kiện đó, người ta tự hỏi, những cá nhân nói tiếng Việt tại trang mạng này có thực sự coi mình là người con của đất nước Việt Nam hay không ?

Luôn tự gọi mình là một “kênh truyền thông tiếng Việt”, nhưng BBC Tiếng Việt chưa bao giờ thực sự tồn tại đúng với những gì mà họ tự vỗ ngực xưng tên. Ngay cả trước khi hình thành, bản chất của nó đã là một tổ chức ngoại lai, do người nước ngoài đứng đầu với những tư duy, góc nhìn méo mó về đất nước Việt Nam. BBC Tiếng Việt quên rằng trong thời đại thế giới thông tin ngày càng phẳng, sự hiểu biết, đánh giá của độc giả cũng trở nên toàn diện và đầy đủ. Họ sẽ sớm nhận ra đâu là cách đưa tin "có mùi".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét