Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

THẤM NHUẦN LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI NGƯỜI THẦY THUỐC VIỆT NAM

 

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến ngành Y, đến người thầy thuốc. Bởi ngành Y nói chung, thầy thuốc nói riêng có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Những tư tưởng, lời dạy của Người về y đức của người thầy thuốc được thể hiện thông qua những bài nói, bài viết và thư gửi các hội nghị y tế toàn quốc đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu” (Thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3-1948). Khi gặp “một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc “nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Theo Người, thầy thuốc là phải hết lòng yêu thương, tận tình chăm sóc, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người bệnh. Bởi để chữa trị bệnh tật tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bề ngoài. Những vấn đề về tinh thần, tình cảm càng cần phải được quan tâm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như y đức của người thầy thuốc. Mặt khác, theo Bác: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú (cán bộ y tế - người trích). Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. “Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Hơn nữa, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc, tháng 6-1953, Người chỉ rõ: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Đọc lời dạy của Bác chúng ta hiểu các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có thể nói, lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Lời dạy này của Người đến nay đã trở thành bài học vô cùng quý giá đối với mỗi người thầy thuốc Việt Nam cũng như cả ngành Y tế.

Theo Bác, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài. Vì vậy, đội ngũ thầy thuốc, về chuyên môn, cần thường xuyên “học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ”, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; về chính trị, cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ như “yêu nước, yêu dân, yêu nghề… thi đua học tập, thi đua công tác”. Hơn nữa, người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Cụ thể, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất.

Không chỉ chú ý đến mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, Người còn quan tâm đến mỗi quan hệ giữa các thầy thuốc, cán cán bộ làm công tác y tế với nhau. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế, tháng 2-1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân". Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành Y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Vào những năm cuối đời, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng Bác Hồ vẫn luôn đau đáu nỗi niềm hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt; về cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm anh dũng chiến đấu và hy sinh cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngày 31/7/1967, trong bức thư khen cán bộ, nhân viên Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh, tích cực nâng cao sức khoẻ của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Đây là bức thư cuối cùng Người viết gửi ngành Y tế nước ta.

Lúc cuối đời, trong Bản Di chúc, Bác đã dặn dò phải “phát triển công tác vệ sinh, y tế…”. Nói như vậy, ta có thể cảm nhận được sự quan tâm của Bác Hồ dành cho ngành Y tế, cho các thầy thuốc.

Ngày nay, thực hiện di chúc của Bác Hồ, đội ngũ y bác sĩ nối tiếp truyền thống ấy; trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ ngành Y tế là những “Chiến sĩ áo trắng”. Lực lượng thường trực ở tuyến đầu chịu nhiều áp lực, vất vả và phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, những “chiến sĩ” áo trắng đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, trên mọi miền tổ quốc, từng ngày, từng giờ chạy đua với thời gian. Họ là những chiến sĩ thầm lặng, luôn nỗ lực thực hiện  tốt nhiệm vụ trên mặt trận phòng, chống dịch COVID-19.  

Vất vả là thế, nhưng đằng sau những lớp khẩu trang in hằn lên khuôn mặt, những bộ quần áo bảo hộ bịt kín người là những nụ cười, là sự nhiệt huyết, sự tận tâm của những y, bác sĩ với công việc mà họ đã chọn. Những cán bộ, chiến sỹ ngành y tế đã xung kích trên các mặt trận chống dịch COVID-19. Họ và những trái tim nhân hậu Việt Nam đã và đang góp sức mình một cách thầm lặng, tận tâm. Từ ấy đã nhân lên sức mạnh, niềm tin để chúng ta cùng chiến đấu và chiến thắng đại dịch COVID-19./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét