Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

“Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sự lựa chọn đúng đắn

 

Thời gian qua, trên trang blog Tiếng Dân phát tán bài viết “Bàn về khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” với những luận điệu sai trái, thiếu khách quan, khoa học nhằm mục đích bôi nhọ nói xấu Đảng, nói xấu chế độ; xuyên tạc cho rằng “Việt Nam xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN” là không phù hợp với tình hình đất nước; kêu gọi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp và thực hiện “tam quyền phân lập”. Có thể thấy rằng, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, phản động, thù địch, đi ngược lại với lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam.

Lý luận và lịch sử về nhà nước và pháp luật cho thấy, nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị chung của nhân loại tiến bộ, đề cao pháp luật, thể hiện ước muốn, khát vọng của con người về một xã hội dân chủ và bình đẳng. Sự ra đời của mô hình nhà nước này từ nhận thức lý luận đến thực tiễn đã có những tác động tích cực, to lớn không thể phủ nhận với đời sống con người. Nhiều quốc gia tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã kế thừa, vận dụng để xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền ở những mức độ khác nhau.

C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V. I. Lê-nin trong các tác phẩm kinh điển của mình, mặc dù chưa sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” nhưng đã xác lập về tư tưởng những giá trị cốt lõi, đặc trưng, đó là nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước kiểu mới hợp hiến, hợp pháp, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng, đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được thể hiện rõ nét trong các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng, Đại hội Đảng lần thứ I, đặc biệt, được cụ thể hóa trong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945). Đó là một Nhà nước với tinh thần xuyên suốt là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”. Tư tưởng này cũng được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta với việc hiến định quyền lực nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, để phụng sự lợi ích của nhân dân.

Quan điểm về xây dựng và hoàn thiện nhà nước tổ chức và hoạt động theo pháp luật trong các văn kiện Đại hội II, III, IV, V, nhất là Đại hội VI, VII của Đảng được đề cập, phát triển và thể chế hóa trong các bản Hiến pháp các năm: 1959, 1980, 1992, cho dù thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” chưa được sử dụng. Đến Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (tháng 11-1991), lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” chính thức được Đảng ta đề cập và được khẳng định rõ hơn tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), đồng thời, tiếp tục được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội Đảng tiếp theo. Với quan điểm kế thừa, phát triển, Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, có thể thấy rằng, trên phương diện lập hiến, Hiến pháp năm 2013 đã quy định một cách toàn diện những vấn đề căn cốt của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam về bản chất, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chủ thể thực hiện quyền lực nhà nước; phân quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước, vị trí của pháp luật đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam; vấn đề quyền con người, quyền công dân; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN.

Thực tiễn gần 77 năm qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, bảo đảm yêu cầu quản lý, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Vai trò, quyền làm chủ của nhân dân được củng cố, phát huy, bảo đảm và lan tỏa tinh thần tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở dựa trên phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử thể hiện rõ hơn, hiệu quả hơn. Hoạt động cơ quan hành pháp chủ động, tích cực, tập trung vào quản lý, điều hành, tháo gỡ rào cản, phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, tư pháp có bước đột phá; chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Từ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn xây dựng, vận hành cho thấy “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều chỉnh tối thượng của Hiến pháp và hệ thống pháp luật bảo đảm công khai, tính minh bạch, khả thi, hiệu quả, nguyên tắc bình đẳng, bảo vệ quyền con người, tính thượng tôn pháp chế XHCN. Nhà nước pháp quyền XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Như vậy, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là sự lựa chọn hoàn toàn sáng suốt, đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét