Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

ĐẤU TRANH VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, VU CÁO VIỆT NAM “VI PHẠM” QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO

 

Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng ngày một tự do, tiến bộ hơn. Nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được đảm bảo tốt hơn, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng vu cáo Việt Nam “vi phạm” quyền tự do tôn giáo, không cho “thành lập các tôn giáo mới, đạo mới”; đồng thời kêu gọi tổ chức quốc tế lên tiếng yêu cầu Việt Nam “chấm dứt đàn áp” tôn giáo.

Ở Việt Nam, 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo-Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương; với 43 tổ chức tôn giáo, hơn 26,5 triệu người theo các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước cùng hàng vạn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự.

Không chỉ là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam còn là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống và đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với quan điểm nhất quán, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng vào phục vụ các tầng lớp nhân dân nên quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước bảo đảm như các dân tộc khác.

Với quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo như vậy, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động trên khắp cả nước, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo lớn được tổ chức trang trọng, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự.

Các tổ chức tôn giáo được phép thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo để đáp ứng nhu cầu của tôn giáo. Hiện nay, cả nước có 63 cơ sở đào tạo tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo với gần 2 vạn học viên đăng ký theo học các khóa đào tạo tôn giáo mỗi năm. Năm 2020 có khoảng 230 cơ sở thờ tự được xây mới, 308 cơ sở thờ tự được nâng cấp, sửa chữa.

Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020 có ba tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo là Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kito Việt Nam; một tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo là Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam.

Những năm gần đây, đặc biệt sau khi triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú về cấp độ, số lượng và phạm vi hoạt động. Nhiều hoạt động quốc tế lớn như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK 2019, Tổng hội dòng Đa Minh thế giới… đã được các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công tại Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo đi nước ngoài để tham dự các khóa đào tạo về tôn giáo, hội nghị, hội thảo, giao lưu hợp tác với hơn 300 đoàn hoạt động, hợp tác tôn giáo ra vào Việt Nam.

Hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam cũng được tạo điều kiện thuận lợi như việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, mời chức sắc nước ngoài hoặc chức sắc Việt Nam giảng đạo, cho phép nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo từ nước ngoài vào Việt Nam…

Đặc biệt, những điểm mới trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khiến thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo như thời gian hoạt động để được công nhận của tổ chức tôn giáo giảm từ 23 năm xuống còn 5 năm.

Năm 2020 đã giải quyết trên môi trường mạng 43 thủ tục đăng ký, công nhận tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo, 18 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và được theo dõi trên Trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ. Đây là minh chứng việc Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố nước ngoài.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã khẳng định với báo giới trong nước và quốc tế: Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được đảm bảo tôn trọng trên thực tế. Hiện nay, ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó trên 25 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, chiếm khoảng 27% dân số; riêng công giáo có trên 7 triệu người, Tin lành có trên 1 triệu tín hữu.

Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế. Thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hết sức phong phú và sinh động. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân, được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật, Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh. Đây hoàn toàn là sự thực và là khẳng định mạnh mẽ nhất của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Lịch sử đã chứng minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét