Thứ Hai, 21 tháng 2, 2022

Niềm tin kinh tế có nhiều khởi sắc

 

          Các thế lực thù địch và bọn phản động luôn dùng những luận điệu xuyên tạc bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, sự nỗ lực của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid -19 và phát triển kinh tế, nhưng chúng đâu thấy được kết quả khả quan và những giá trị nhân văn của Đảng ta trong quan điểm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

          Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 khiến kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP đạt 2,58%; xuất nhập khẩu cả năm về đích với con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 4 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng hơn 9,2 tỷ USD so với năm 2020... Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của gần 100 triệu người dân Việt Nam để cùng với Chính phủ triển khai những quyết sách quan trọng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

          Có thể nói, chưa bao giờ công tác xây dựng, ban hành, hoàn thiện thể chế, chính sách được quan tâm, triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp (DN) như năm qua. Hàng trăm nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư đã được ban hành để kịp thời gỡ khó cho DN, khơi thông nội lực của nền kinh tế. Trong đó, chính sách quan trọng nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất, mở đường cho Chính phủ để kịp thời ban hành và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN là Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

           Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã hết sức nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, nhưng sức lực của nhiều DN đang bị bào mòn khi tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn trong thời gian tới tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN. Trong kiến nghị, các DN đều nhấn mạnh đến đơn giản hóa các thủ tục, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong triển khai, thực thi các quy định, chính sách trên toàn quốc; tính công bằng, minh bạch, thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền...

          Quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức khi nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội rất lớn. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ....

          Song, cũng có nhiều cơ hội và triển vọng để Việt Nam phục hồi, phát triển. Điển hình như, Việt Nam có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021. Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch Covid-19 tiếp tục được nâng lên. Việc hoàn thành bao phủ vaccine chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó là tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế được tăng cường; nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ.

          Năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Để tận dụng được những cơ hội mới nhằm phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022, cần triển khai, thực hiện tốt, an toàn chiến dịch bao phủ diện rộng cho toàn dân tiêm vaccine. Kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ DN và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Cùng với đó, thực hiện nhanh, hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

          Để kịp thời hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục, tạo đà phát triển, nhiều giải pháp trọng tâm sẽ được triển khai thực hiện trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Theo đó, sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: Thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN, bao gồm: Tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho DN; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho DN; cấp bù lãi suất cho các DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế. Hỗ trợ tái cấu trúc DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DN, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để DN tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công tư...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét