Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN



 

 

Lợi dụng việc ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Trên mạng Tiếng dân, ngày 06/11/2018, đối tượng Nguyễn Đình Cống đăng tải bài “Phản biện quy định nêu gương”, nhằm mục đích thể hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, bôi nhọ Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương.
Trước hết chúng ta khẳng định, việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.
 Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Sự nêu gương của cán bộ, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người luôn nhắc nhở: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng”. Người yêu cầu, cán bộ, đảng viên thực hiện phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; người có địa vị càng cao thì càng phải gương mẫu. Là lãnh tụ cao nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tấm gương mẫu mực về nêu gương.
Thấm nhuần, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách nêu gương của Người, Đảng ta luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên với nhiều chủ trương, quy định. Qua đó, đã nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tạo chuyển biến tích cực trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Tuy nhiên, thời gian qua một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tình hình trên, đã đặt ra yêu cầu cần có quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, việc Đảng ta quyết định ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” là rất cấp thiết để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Nó bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các phần tử chống đối cho rằng nêu gương “chỉ là hình thức, mị dân”, để che đậy hành vi tham ô, nhận hối lộ, vơ vét của cải..., từ đó cổ súy người dân “không nên tin”, “không nên bị lừa mị”...
Vậy tinh thần Quy định mới về trách nhiệm nêu gương đó là gì?
Cần thấy rằng đây không phải là vấn đề mới mà thực tế là Đảng ta đã có các quy định liên quan. Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, đã được đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Ban Bí thư ký ban hành ngày 7-6-2012. 
Việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương lần này là cụ thể hóa Quy định 101-QĐ/TW, trong đó xác định rõ các chủ thể trước hết phải nêu gương là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Về nội dung, quy định trách nhiệm nêu gương một cách toàn diện, từ tư tưởng, chính trị, đến đạo đức lối sống, bao gồm: Trung thành tuyệt đối, kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc làm tối thượng; thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ; minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
Đặc biệt, theo quy định, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ… Ngoài ra, Quy định mới này còn yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải kiên quyết chống lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định; để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi…
Có thể nói, những vấn đề trong Quy định trách nhiệm nêu gương đã đưa ra những quy định cụ thể, sát với tình hình chính trị, xã hội hiện nay, nhất là những biểu hiện mới của tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII. Việc Đảng ta xem xét, quyết định ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đáp ứng tình hình mới là hoàn toàn đúng đắn, đúng ý Đảng và hợp lòng dân, dư luận xã hội đánh giá cao nội dung này của Trung ương. Chúng ta cần tỉnh táo, nêu cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh, bác bỏ mọi sự xuyên tạc, bịa đặt của Nguyễn Đình Cống và các thế lực thù địch về Quy định này./.
Nguyễn Thông


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét