Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

BỎ ĐẢNG HAY BỎ CHẠY?




   Những ngày gần đây, dư luận xôn xao bàn tán chuyện ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ bị đề nghị kỷ luật vì “tự diễn biến”. Ngay lập tức sau đó, nhà văn Nguyên Ngọc và một số trường hợp khác đăng đàn trên mạng xã hội TUYÊN BỐ “BỎ ĐẢNG” như những “người hùng”. Trước sự kiện này, những kẻ cơ hội, cực đoan chống đối, phản động lưu vong ở nước ngoài hết sức vui mừng, hí hửng chia sẻ thông tin. Bọn chúng cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến lúc suy yếu vì có nhiều người tuyên bố bỏ Đảng”! Thậm chí một số trang phản động còn giật tít “RỘ PHONG TRÀO BỎ ĐẢNG sau khi tuyên bố kỷ luật Chu Hảo”…
   Câu hỏi đặt ra là có “Làn sóng” bỏ đảng hay không? Và những kẻ từ bỏ đảng là ai? Thực tế qua nghiên cứu có thể nói rằng những người tuyên bố “tự ra khỏi” Đảng trong những ngày qua gồm ai dạng: “Cựu công thân”, bất mãn hoặc “dân chủ ngáo đá”. Sẽ chẳng có gì đáng nói khi thời điểm xuất hiện “phong trào” này lại đúng với lúc lò lửa chống tiêu cực, tham nhũng đang cháy hừng hực và những kẻ đi đầu tuyên bố rời khỏi Đảng đều “Vào lò”, bị đưa ra kỷ luật về mặt Đảng vì những sai phạm liên quan đến 27 biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Có thể điểm qua một số cái tên như:
   - Nhà văn Nguyên Ngọc (tên thật là Nguyễn Văn Báu), được nhiều người biết đến với tác phẩm “Đất nước đứng lên”. Những năm 80 của thế kỷ trước, Nguyên Ngọc tranh cử chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam nhưng bị thất cử. Đồng thời khi làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Nguyên Ngọc đã cổ vũ tiếp sức cho Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài đăng những truyện ngắn, tiểu luận có nội dung sai trái, chửi những danh nhân Việt Nam... Sau đó Nguyên Ngọc bị kỷ luật phải từ chức Tổng biên tập, nghỉ hưu non nên bất mãn. Từ đó ông ta kết hợp với những thành phần “rận chủ” liên tục xuyên tạc, phản đối, chống phá lại đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước
   - Phó Giáo sư Mạc Văn Trang: Năm 2015 ông này đề xuất “học sinh đánh bạn phải làm lễ tạ lỗi, bắt học sinh đánh bạn phải quỳ xuống, khấu đầu để xin lỗi”. Sau đó Mạc Văn Trang bị dư luận trong nước lên án gay gắt, mất uy tín nghiêm trọng từ đó đâm ra tiêu cực, bất mãn. 
   - Giáo sư Tương Lai (tên thật là Nguyễn Phước Tương): Gia nhập làng “dân chủ” của Nguyễn Quang A từ năm 2007, thường xuyên tham gia biểu tình gây rối dưới chiêu bài chống Trung Quốc…
   - Luật sư Lê Văn Hòa: lật hồ sơ của ông này trên mạng thì từ 2016 đến nay ông ta xin ra khỏi Đảng cũng 04 – 05 lần để “lấy le, đánh bóng” (lần 1 ngày 1/7/2016, lần 2 ngày 8/2/2016, lần 3 ngày 12/2/2017, lần 4 ngày 28/10/2018). 3 lần trước thất bại thảm hại chẳng ai quan tâm, lần thứ 4 này ăn theo Chu Hảo nên đã được “chú ý” đôi chút…

   Ngoài ra còn một số phần tử “dân chủ ngáo đá” khác, chẳng phải là đảng viên nhưng cũng “ăn hôi” theo “trào lưu” này bằng cách tuyên bố “bỏ Đoàn” thậm chí “bỏ Đội” !? Thật hết sức khôi hài!
   Có thể nói, điểm đi điểm lại các gương mặt tuyên bố “bỏ Đảng” gần đây chỉ là “một nhúm” quen thuộc những kẻ “cựu thần” thoái hóa, biến chất, cơ hội chính trị. Vì thế có thể khẳng định, Đây không phải là “Làn Sóng”, “Phong trào” mà là quy luật tất yếu của sự đào thải; bởi tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là nơi trú ngụ, dung dưỡng... của các phần tử trên.
   Mượn một câu chuyện xưa nói chuyện nay, ngày 30/4/1975 “Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” Dương Văn Minh “hùng hồn” tuyên bố với các chiến sỹ giải phóng quân: “Chúng tôi đang đợi các ông đến để bàn giao chính quyền”. Đáp lại chỉ là một gáo nước lạnh: “Ông không còn gì để bàn giao. Ông chỉ có thể đầu hàng vô điều kiện. Tôi mời ông lên đài để công bố lệnh đầu hàng vô điều kiện”. Điều này khá tương đồng với Chu Hảo và các trường hợp khác hiện nay, khi mà bản chất cách mạng của người đảng viên đã hoàn toàn mất đi, thẻ Đảng thì chỉ chờ ngày bị đưa ra kỉ luật, thu hồi thì họ hùng hồn tuyên bố “bỏ Đảng”. Thiết nghĩ khi nhận được đơn ra khỏi Đảng của các ông, người nhận đơn cũng nên trả lời luôn rằng “Khi mà bản chất cách mạng của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đã mất đi, thì ngày mà các ông bị khai trừ khỏi Đảng cũng đến rồi”.
   Một số người cho rằng việc các nhà văn, trí thức có tiếng “xin ra khỏi Đảng” sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đảng. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta đang đấu tranh với những đảng viên “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ngay trong Đảng. Việt Nam rất cần những người tài để xây dựng, phát triển đất nước nhưng không cần những kẻ thoái hóa, tự diễn biến, đi ngược lại với lý tưởng của Đảng, phản bội lợi ích dân tộc và lời thề thiêng liêng của mỗi đảng viên Cộng sản dưới Đảng kỳ. Việc một đảng viên “tự diễn biến”, tự ra khỏi Đảng không phải là thất bại của Đảng, mà là sự thất bại đáng xấu hổ của chính đảng viên đó, khi không giữ vững được tư tưởng và lời hứa trung thành với Đảng.
   Cuối cùng xin gửi lời khuyên chân thành đến những người đang kêu gào “bỏ Đảng”: Các người hãy dừng việc lôi cái mác trí thức, trí giả, sử dụng chút uy tín còn lại của mình để hô hào “bỏ Đảng” nhằm tự “bốc thơm”, “đánh bóng” mình trên diễn đàn chính trị, “lấy le” để thu hút sự chú ý của dư luận và cố tình làm “rùm beng” để gây áp lực lên Ban chấp hành Trung ương Đảng hòng thoát thân, “chạy làng”. Bởi vì một lẽ: CÔNG CUỘC CHỐNG TIÊU CỰC, THAM NHŨNG LÀ KHÔNG CÓ VÙNG CẤM!
Bá Huân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét