Cộng hòa Liên bang Nam Tư là
quốc gia xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ dưới thời Josip Broz Tito. Tuy
nhiên, đến thời Tổng thống Slobodan Milosevic, bằng một loạt hoạt động chống
phá rất tinh vi, xảo quyệt, các nước phương Tây đã thành công trong việc làm
tan rã Liên bang Nam Tư. Vậy điều gì đã xảy ra ở Nam Tư? Việt Nam rút ra bài học gì từ sự sụp đổ
của Nam Tư?
Trước đây, Nam Tư đã xây dựng một nền kinh tế giống như nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang thực hiện. Nếu Nam Tư từng
là quốc gia xã hội chủ nghĩa phát triển thì Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa
đang vươn mình mạnh mẽ, có vị thế, uy tín to lớn trong khu vực và thế giới.
Trong chính sách đối ngoại, Liên bang Nam Tư luôn tích cực hỗ trợ
Quân đội dân chủ - lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Hy Lạp thoát khỏi gọng
kìm của Quân đội quốc gia Hy Lạp thân phương Tây. Điều này đã làm phương Tây lo
sợ một ngày nào đó khu vực này sẽ nằm dưới sự chi phối của Nam Tư. Còn Việt
Nam, do điều kiện lịch sử, luôn có quan hệ khăng khít, tốt đẹp với 2 nước láng
giềng là Lào và Campuchia. Vì vậy, từ trước tới nay, các nước lớn luôn e ngại.
Do những bất đồng không thể hóa giải với Liên Xô nên Nam Tư từ
quốc gia trung lập chuyển thành bị “cô lập” về mọi mặt. Và Việt Nam, nếu không
khôn khéo cũng rất dễ rơi vào tình trạng của Nam Tư. Vì sau sự kiện Trung Quốc
đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam năm 2014,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: Chưa lúc nào Việt Nam có đông bạn bè
nhưng lại cô đơn như lúc này.
Trước đây, các nước phương Tây quyết tâm phải đánh gục Nam Tư bằng
mọi giá vì lo sợ nhiều nước sẽ học theo mô hình của Nam Tư, từ đó sẽ mất kiểm
soát đối với thế giới. Hiện nay, Việt Nam cũng bị chủ nghĩa đế quốc và
các thế lực thù địch xác định là một trọng điểm chống phá trong chiến lược
“diễn biến hòa bình”. Lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt, nhất
quán của chúng.
Để lật đổ Nhà nước Liên bang Nam Tư, các nước phương Tây đã tích
cực hỗ trợ lực lượng ly khai Quân giải phóng Kosovo (KLA) phát triển mạnh về
mọi mặt, âm thầm cung cấp kinh phí, vũ khí trang bị, các chuyên gia và huấn
luyện quân sự. Những hoạt động đó tương tự như chúng đã và đang thực hiện với
các tổ chức đối lập, phản động Việt Nam hải ngoại như tổ chức khủng bố Việt Nam
canh tân cách mạng đảng (Việt Tân), Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời...
Như vậy, 2 quốc gia có vị trí địa lý, truyền thống lịch sử và nền
văn hóa khác nhau, song Liên bang Nam Tư trước đây và Việt Nam hiện nay có
nhiều điểm tương đồng, cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao cũng như những trở
ngại trên con đường xây dựng và phát triển của mình.
Để có thể lật đổ Nhà nước Liên bang Nam Tư, các nước phương Tây đã
giật dây, bật đèn xanh cho KLA giết hại 20.000 dân thường Serbia rồi đổ
tội diệt chủng và chống lại loài người lên đầu Tổng thống Milosevic. Từ đó,
chúng tạo cớ đưa quân can thiệp lật đổ chế độ, bắt giam và ép ông phải chết
trong tù vì bệnh tim. Sau đó, các nước này đã kích động tinh thần dân tộc, gây
nội chiến, chia Nam Tư thành 2 quốc gia Kosovo, Serbia và Montenegro...
Tổng thống Milosevic trước khi từ giã cõi đời đã phải chua chát
thốt lên: “Hỡi những người Nga, những cư dân Ukraina và Belarus cũng
coi là người Nga. Chúng sẽ làm những điều tương tự với bạn khi chúng ta bị
phương Tây - con chó điên này sẽ chộp lấy cổ họng các bạn. Hỡi những người anh
em, hãy nhớ lấy số phận Nam Tư và đừng để nó xảy ra với mình”.
Ở Việt Nam
từng xảy ra tình trạng tương tự Nam Tư trong sự kiện Tây Nguyên tháng 4-2001.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động trong, ngoài nước đã chỉ
đạo lực lượng Fulro xúi giục, kích động người dân gây rối, bạo loạn, rồi lu loa
rằng chính quyền đàn áp nhân dân. Chúng đã tập kết lực lượng áp sát biên giới
nước ta trên hướng Thái Lan để sẵn sàng can thiệp, lật đổ chế độ của Việt Nam .
Rất may, chúng ta đã xử trí khôn khéo, đúng nguyên tắc nên đã tránh được một
cuộc can thiệp có vũ trang từ bên ngoài, giữ vững được chế độ.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, nhất là biển Đông diễn biến
phức tạp, khó lường, biến động từng ngày từng giờ, nếu ta không linh hoạt trong
đường lối đối ngoại, giải quyết cân bằng, hài hòa lợi ích với các nước lớn thì
sẽ dẫn tới tình cảnh bị cô lập như Nam Tư trước đây. Bởi, vì lợi ích của mình,
các nước lớn sẵn sàng “đi đêm” để mặc cả, thỏa hiệp với nhau trên sự độc lập,
chủ quyền của quốc gia khác. Lịch sử Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ
trước đây và những năm cuối thập niên 80 đã chứng minh điều đó.
Việt Nam
đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều đó tất
yếu nảy sinh nhiều tiêu cực, nếu chúng ta giải quyết không tốt, không triệt để
sẽ gây bất bình, phẫn nộ trong nhân dân. Đây là môi trường rất thuận lợi để các
thế lực thù địch, phản động kích động gây rối bạo loạn, lật đổ chế độ. Và Việt
Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, đây là những “ngòi nổ” được các thế
lực thù địch, phản động triệt để sử dụng để kích động tư tưởng dân tộc cực
đoan, đòi ly khai, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Do đó, chúng ta phải đề cao cảnh giác, thực hiện tốt chủ trương,
chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, mọi người dân
Việt Nam, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cần tìm hiểu để nhận diện rõ âm
mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch áp dụng đối với các quốc gia bị cho là
“không thân phương Tây”, từ đó cảm nhận được bài học cay đắng về công lý và sự
ảo tưởng vào lòng tốt của phương Tây. Có như vậy, Việt Nam mới không lâm vào bài học đau
đớn của Nam Tư trước đây.
TRỌNG TÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét