Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

KHÔNG CÓ VÙNG CẤM TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG




Đấu tranh chống thói hư tật xấu, xây dựng đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Không thể nói vì chống tham nhũng mà làm chậm sự phát triển, đó là sai lệch. Càng chống tham nhũng có hiệu quả thì bộ máy của Đảng và hệ thống chính quyền các cấp do Đảng lãnh đạo ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, từ đó quần chúng nhân dân càng tin tưởng hơn. Việc Đảng, Nhà nước quyết tâm chống tham nhũng, chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm hàng loạt cán bộ, quan chức sai phạm, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao trong bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, doanh nghiệp nhà nước thể hiện ý chí chống tham nhũng “róc từ ngọn xuống” và “không có vùng cấm”. Điều đó tạo sự đồng thuận, khơi dậy niềm tin rất lớn trong toàn dân. 
Quan điểm nếu tập trung xử lý tham nhũng sẽ “làm chậm lại sự phát triển” cho rằng cần phải dành thời gian, công sức, trí tuệ cho nhiệm vụ hàng đầu là phát triển kinh tế, xã hội, cho các sáng tạo, tìm tòi, sản xuất, kinh doanh. Nếu chỉ lo nghĩ “bắt sâu, diệt sâu”, không còn thời gian cho chăm cây, bón cây nữa sẽ làm chậm sự phát triển của cây, chậm sự phát triển kinh tế đất nước. Trong cuộc chiến chống tham nhũng xưa nay, ở mọi nơi trên thế giới, quan niệm tập trung chống tham nhũng sẽ “làm chậm sự phát triển” có lẽ chưa thấy xuất hiện ở đâu. Chúng ta cũng chưa thấy các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế đề cập điều này ở hội nghị quốc tế nào bàn về chống tham nhũng. Xưa nay, người ta chỉ nói, nếu xã hội nào, đất nước nào để tham nhũng phát triển, tham nhũng lộng hành thì sẽ làm chậm sự phát triển của xã hội đó, đất nước đó, thậm chí đe dọa sự tồn vong của chế độ đó. Hiểm họa của tham  nhũng được nói đến rất nhiều, tác hại thấy rõ chứ chuyện lật ngược vấn đề, nói rằng quyết tâm chống tham nhũng gây khó cho sự phát triển, làm chậm, kéo lùi sự phát triển thực sự là nghịch lý. 
Quan điểm đó rõ ràng lạc lõng, nói chính xác là sự ngụy biện. Chúng ta thấy rằng, chống tham nhũng là chống thói tham lam, vô độ, thói “ăn bẩn”, vơ vét tư túi. Nó chẳng đâu xa lạ cả, cũng không có giới tuyến ta - địch, bạn - thù như cuộc chiến chống ngoại xâm trước đây. Chính bởi sự thực như vậy nên khi Đảng, Nhà nước quyết tâm chống tham nhũng, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra xử lý nghiêm hàng loạt quan chức sai phạm thì bên cạnh sự đồng lòng, ủng hộ của xã hội, đã xuất hiện quan điểm phản biện kiểu nói trên./.
 Ngọc Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét