Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

“VIỆT NAM - CAMPUCHIA TAY CẦM TAY SAMAKI”

 Việt Nam và Campuchia là 2 quốc gia láng giềng, có đường biên giới tiếp giáp kéo dài 10 tỉnh của phía Việt Nam và 10 tỉnh của Campuchia. Hai quốc gia có truyền thống gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc đặt quan hệ ngoại giao giữa 2 nước chúng ta là biểu tượng rực rỡ của mối tình hữu nghị, thân thiết, đoàn kết chiến đấu. Đó là một sự kiện lịch sử quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia. Một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”, “Ngày nay cũng như ngày mai, 2 nước chúng ta mãi mãi là người bạn thân thiết”.

Tuy nhiên, với mưu đồ kích động, gây mâu thuẫn, chia rẽ Việt Nam với các quốc gia láng giềng, các thế lực thù địch, chống đối vẫn liên tục tung ra những thông tin, luận điệu “thổi lửa”, xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia, xuyên tạc lịch sử, nhất là cuộc chiến chống Khmer Đỏ và bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam (1975-1979) để quy chụp cho rằng “Việt Nam xâm lược, xâm lấn Campuchia”, từ đó kích động tư tưởng mâu thuẫn, thù địch, hẹp hòi dân tộc, phá hoại mối quan hệ Việt Nam - Campuchia, châm ngòi xung đột giữa 2 quốc gia. 

Sự thật lịch sử đã chứng minh Quân tình nguyện Việt Nam (QTNVN) ở Campuchia là thực hiện nghĩa vụ quốc tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc, thể hiện khát vọng hòa bình. Sau ngày 07/01/1979, tập đoàn Pôn pốt - IêngXary cơ bản đã bị đánh đổ, nhưng khoảng 4 vạn tàn quân, cùng đội chỉ huy vẫn còn lẩn trốn vào rừng dọc tuyến biên giới phía Tây - Tây Bắc Campuchia. Trong bối cảnh đó, Đảng Nhân dân cách mạng và Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia chính thức đề nghị Việt Nam tiếp tục ở lại để giúp Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày 18/02/1979, Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Campuchia với mục tiêu chiến lược là: Tiêu diệt hoàn toàn chế độ diệt chủng Pôn pốt- IêngXary; giúp Campuchia mạnh lên, đủ khả năng tự lực, tự cường; đảm bảo hòa bình, ổn định ở biên giới Tây Nam của Việt Nam; nguyên tắc hoạt động là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau: “Các đảng viên chỉ sang giúp bạn một thời gian, xong việc lại về… Tích cực đóng góp làm đúng tư cách người đảng viên, người tham mưu tốt của Trung ương Đảng ta, người chuyên gia tin cậy của bạn”. Tháng 9/1989, các mục tiêu chiến lược cách mạng của Campuchia và Việt Nam cơ bản hoàn thành, Việt Nam đã hoàn thành rút hết lực lượng chuyên gia quân sự về nước.

Trong 10 năm ở Campuchia, QTNVN chấp nhận nhiều hy sinh, mất mát to lớn; đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế đối với đất nước và nhân dân Campuchia. Với sự giúp đỡ của QTNVN, từ 21 tiểu đoàn ban đầu, Campuchia đã nhanh chóng xây dựng được lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh và hệ thống cơ quan chỉ huy từ trung ương đến cơ sở; chính quyền nhân dân được củng cố từ Trung ương đến địa phương; khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Năm 1979, Chính phủ Việt Nam đã huy động và gửi khẩn cấp cho Campuchia 120.000 tấn lương thực để cứu đói. Ngoài ra, ta còn cung cấp giống, nông cụ, khôi phục các nông trường, nhà máy… Nhờ đó, cuối năm 1979, Campuchia đã thu hoạch được 300.000 tấn lương thực; năm 1980 được hơn 700.000 tấn; năm 1982 tăng lên 1 triệu 480 tấn; cơ bản đẩy lùi được nạn đói. Đưa hàng triệu người dân ly tán trở về quê cũ và dựng lại nhà cửa, mở lại hệ thống chợ, khôi phục và xây dựng hệ thống bệnh viện, trạm xá… Cũng trong 10 năm ấy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên đất bạn (qua 23 năm (2000-2023), ta đã tìm kiếm, quy tập và tiếp nhận trên 3.200 hài cốt liệt sĩ) và cho đến nay, nhiều người vẫn chưa được về với đất mẹ. Đây là sự giúp đỡ tự nguyện dựa trên tình đoàn kết, hữu nghị sâu sắc và tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; được nhân dân trên thế giới hoan nghênh, đặc biệt là sự ghi nhận của nhân dân Campuchia: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pôn pốt - IêngXary, trên toàn thế này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã phát biểu: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế”. Đây là minh chứng tiêu biểu khẳng định mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, thủy chung, gắn bó sắt son giữa 2 dân tộc. 

Trong bối cảnh đó, nhân dân hai nước cần có chung nhận thức, cùng có trách nhiệm duy trì ổn định quan hệ hữu nghị giữa hai nước, kiên quyết bảo vệ, vun đắp tình hữu nghị quý báu, mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” của nhân dân Việt Nam - Campuchia; “chung vai vượt qua thử thách, đồng lòng hướng tới tương lai” vì nền hòa bình, ổn định của nhân dân mỗi nước và tích cực góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét