Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

CẦN PHẢI QUY ĐỊNH VỀ VIỆC SỬ DỤNG Y ÁO NHÀ PHẬT

 Sự việc Nguyễn Minh Phúc, giả danh tu sĩ Phật giáo, tự xưng pháp danh “Thích Tâm Phúc” xuất hiện trong quán nhậu gần đây, một lần nữa cảnh báo về tình trạng núp bóng nhà sư, mượn danh áo Phật để trục lợi cá nhân.

Thời gian trước đây, những người đi đường từ hướng cửa ngõ các tỉnh miền Đông vào trung tâm Sài Gòn thường xuyên nhìn thấy nhiều người cạo trọc đầu, mặc đồ tu hành, tay ôm bình bát đứng bất chấp giờ giấc tại góc giao lộ cầu vượt Cát Lái.

Rất nhìn tín đồ phật tử, người dân khi dừng lại bên đường đều chấp tay cúng dường với thái độ thành tâm kính trọng. Sau đó, rất nhiều người mới vỡ lẽ khi Nhà sư Minh Hóa (Pháp viện Minh Đăng Quang) cho hay, nhóm người này không phải là chính thống nhà sư khất sĩ. Đây thực chất mượn áo tu hành để lợi dưỡng cho nhu cầu đời sống. Bởi thực tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không cho phép các nhà sư đi khất thực.

Tuy nhiên, không chỉ ở TP.HCM mà hầu hết các tỉnh thành, bất cứ gần các chùa miếu nào đều xuất hiện tình trạng nhóm người cạo trọc đầu, khoác áo sư đi khất thực. Và rất nhiều phật tử đã bị lừa đảo dưới cái mác nhà sư giả ấy.

Gần đây nhất, sự việc giả sư tại Tịnh thất Bồng Lai cũng gây phẫn nộ trong dư luận. Nhóm ông Lê Tùng Vân đều cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, tự xưng là thầy, sư cô, hòa thượng, chú tiểu… tổ chức sinh hoạt như một cơ sở Phật giáo; làm nhiều clip đăng tải trên mạng tự nhận là chùa, tịnh thất của Giáo hội. Nhóm người này tự nhận nuôi trẻ mồ côi làm từ thiện. Qua điều tra đa số trẻ sống ở đây không phải trẻ mồ côi. Những đứa trẻ này đều có mẹ ở cùng. Tuy nhiên, dưới cái mác tu hành nhóm người này đã trục lợi rất lớn từ doanh thu trên nền tảng mạng xã hội và sự ủng hộ của mạnh thường quân trong, ngoài nước.

Sự hấp dẫn của cái đầu trọc và chiếc áo sư đã khiến những kẻ ham ăn lười làm, chuyên đi lừa gạt người khác cảm thấy béo bở. Thế nên, cũng không bất ngờ khi Nguyễn Minh Phúc lại tự xưng mình là nhà sư và đang chủ trì “Chùa Hoằng pháp Trung ương”. Thượng tọa Thích Tâm Hải – trưởng Ban thông tin truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã khẳng định Phúc giả danh tu sĩ, giả mạo các giấy tờ chứng nhận thọ giới. Ngoài ra các huân chương, huy chương, bằng khen của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ cũng được cho là giả.

Dưới cái mác nhà sư, Phúc đã khiến dư luận phẫn nộ bởi những phát ngôn gây sốc, trái ngược với quy định nhà Phật như ăn mặn, ăn thịt chó, thậm chí là hành động tà dâm với người đồng giới. Không khó để nhận ra cái đầu trọc chiếc áo vàng khoác lên người Phúc chỉ là vỏ bọc để đối tượng này hoạt động trên mạng xã hội.

Thực tế hiện nay, nhằm tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân thì không có bất cứ một quy định nào cấm người dân được mặc áo sư, cạo trọc đầu. Chính việc tự do này đã tạo kẽ hở cho những kẻ mưu đồ cá nhân trục lợi. Chính vì thế, để giải quyết phần nào dứt điểm thực trạng trên nên xem xét y áo nhà sư là một “trang phục” dành riêng của Phật giáo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét