Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

TÔN TRỌNG, BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA NHÂN DÂN LÀ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH NHẤT QUÁN, XUYÊN SUỐT CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

 Việt Nam là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Có thể nói, tôn giáo ở Việt Nam được ví như bức tranh thu nhỏ của tôn giáo trên thế giới, từ các hình thức sơ khai, loại hình tổ chức của các tôn giáo cũng đa dạng, có nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng cùng tồn tại và bình đẳng về vị thế, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo, ảnh hưởng quyết định đến đời sống xã hội Việt Nam.

Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù địch, phản động luôn coi vấn đề dân tộc, tôn giáo là “ngòi nổ” trong mưu đồ chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Họ câu kết với các phần tử cơ hội chính trị, chống đối, cực đoan lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo, xuyên tạc tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đưa ra các báo cáo thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó có nêu một số nội dung nhận định thiếu khách quan, sai lệch dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực tế tại Việt Nam. Họ cho rằng: Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế khi chính quyền sách nhiễu các tổ chức tôn giáo ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một số khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long; sách nhiễu những thành viên của các nhóm tôn giáo tham gia vào các hoạt động vận động nhân quyền hoặc có liên hệ với các cá nhân và tổ chức chỉ trích chính quyền; cản trở việc thực hành tôn giáo của phạm nhân. Đồng thời, nêu quan ngại về một số trường hợp “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”,... đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo - SWL”. Lợi dụng việc đó, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị “té nước theo mưa”, ra sức xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phê phán chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Mới đây, ngày 09/3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt “Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”. Đây là tài liệu chính thống, kịp thời cung cấp những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo ở Việt Nam và những thành tựu, cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; một trong những công cụ chuyển tải thông tin trung thực tới các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, làm cơ sở tham chiếu, chứng minh cho nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Qua đó, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Ngay lập tức một số trang báo điện tử thiếu thiện chí, như: VOA, RFI, RFA,… cùng nhiều trang mạng của các tổ chức, cá nhân chống đối, cơ hội chính trị đã có những bài viết, bình luận sai trái, đánh giá tiêu cực về Cuốn sách này. Họ không chỉ rêu rao việc cho ra đời Cuốn sách là “bức bình phong” nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam; mà còn tạo ra bức tranh méo mó về vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, khi quy chụp: “Việt Nam không hề có tự do, và tự do tôn giáo lại càng không. Hàng loạt các vụ đập phá chùa chiền, nhà thờ để chiếm đất đai, chính quyền cài cắm người vào hàng ngũ tu sĩ để hòng phá hoại và chia rẽ tôn giáo”(!). Đây là những nhận định lố bịch, mang đầy dã tâm chính trị hòng chống phá Đảng, Nhà nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân ta.

Những thành tựu thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta cho thấy, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của  nhân dân là quan điểm, chính sách xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Quan điểm đó được thể hiện trong các văn bản của Đảng ngay từ khi mới thành lập, nhất là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ về công tác tôn giáo được ghi dấu bằng nhiều nghị quyết, tiêu biểu như: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “Về công tác tôn giáo trong tình hình mới”, Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, v.v. Trong đó, khẳng định rõ: tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; coi trọng giữ gìn và “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”; “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật”1.

Quan điểm nhất quán ấy đã được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và các chính sách nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực tế của người dân, phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này, đều  khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp (năm 2013) ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”.

Thực hiện các nguyên tắc đã được hiến định, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Trong đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được kỳ họp thứ 2, Quốc hội (khóa XIV) thông qua ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 là dấu son trong lộ trình cụ thể hóa chủ trương nhất quán của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, khẳng định với quốc tế rằng, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong đảm bảo quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Từ quan điểm đến chính sách và thực tiễn đều minh chứng rằng:

Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm trên thực tế sự đa dạng, hòa hợp, bình đẳng giữa các tôn giáo và không có sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 

Nhà nước luôn bảo đảm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường theo quy định pháp luật. 

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm. 

Các tổ chức tôn giáo cũng luôn được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, và hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội. 

Cùng với những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới đất nước, hoạt động và đời sống tôn giáo ở Việt Nam có sự phát triển tích cực: từ sinh hoạt tôn giáo của tín đồ đến hoạt động của chức sắc và các tổ chức tôn giáo; sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước thu hút đông đảo tín đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích cực vào đời sống tinh thần của toàn xã hội. Điều đó minh chứng cho chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại; tạo được lòng tin của chức sắc, tín đồ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, khơi dậy những đóng góp tích cực của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã hai lần được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc các nhiệm kỳ 2014 - 2016 và 2023 - 2025 là minh chứng thực tế sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam và đó cũng chính là minh chứng thuyết phục nhất, đanh thép nhất bác bỏ những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách quy chụp phiến diện, phủ nhận, xuyên tạc một cách lố bịch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.

Có thể nói, quyền con người là giá trị phổ biến; bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là một quá trình lâu dài, liên tục và cần sự nỗ lực của mỗi quốc gia, nhưng đối với các nước đang phát triển, thực hiện đầy đủ các chuẩn mực nhân quyền phải là quá trình lâu dài. Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn các giải pháp tối ưu trong việc cân bằng giữa ổn định xã hội với đảm bảo đầy đủ nhân quyền, có quyền xây dựng lộ trình trong việc thực hiện cam kết đối với các điều ước quốc tế về nhân quyền, không thể có sự sao chép, áp đặt các mô hình dân chủ, nhân quyền chung. Đặc biệt, với quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nguồn lực còn hạn chế trong khi còn nhiều thách thức trong giải quyết các vấn đề quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thúc đẩy và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua, trước mắt trong năm 2023, cũng như về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng và triển khai công tác đối với việc vận động, đấu tranh để Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có cái nhìn đúng đắn, khách quan về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Đồng thời, định kỳ chủ động cung cấp thông tin cho phía Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, nhất là trong các dịp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuẩn bị ra “Báo cáo thường niên” về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo. Các cấp tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với đó, quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ, pháp luật của Nhà nước; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của quần chúng tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo, quần chúng tôn giáo và có hướng giải quyết thấu đáo các vụ việc phát sinh. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét