Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH VỀ TÌNH HÌNH TỰ DO TÔN GIÁO Ở NƯỚC TA

 Trong thời gian vừa qua, một số tổ chức thiếu thiện chí, nhất là  “Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ” (USCIRF) lại tiếp tục đưa ra những đánh giá thiên lệch, thậm chí bóp méo sự thật về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, chúng cho rằng: việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ở nhiều địa phương còn bất cập, thiếu đồng bộ; lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục đàn áp, sách nhiễu tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận; bắt giữ, truy tố, xét xử các “nhà hoạt động tôn giáo”, “tù nhân lương tâm”… Bất chấp thực tế, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Thực chất đây tiếp tục là những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta; phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong công tác tôn giáo; chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của các thế lực thù địch.

Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật năm 2021).  Điều 24, Chương II, Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ: “Mọi người có quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Với tinh thần đó, Nhà nước ta đã luôn nhất quán chính sách tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và đang nỗ lực bảo đảm tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bình đẳng giữa các tôn giáo. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016. Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, với các mặt hoạt động khác có liên quan đến tôn giáo như: giáo dục, đào tạo chức sắc tôn giáo; xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo; hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội... được điều chỉnh tại một số luật có liên quan như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Di sản, Luật Giáo dục…

Với khuôn khổ pháp lý nêu trên, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm trên thực tế. Ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. 16 tôn giáo với 43 tổ chức được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương. Hơn 26,5 triệu người theo các tôn giáo, chiếm 28% dân số cả nước cùng hàng vạn cơ sở tín ngưỡng, thờ tự.

Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo giao lưu, hợp tác quốc tế. Việt Nam còn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng. Hằng năm, có hàng trăm đoàn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Với những thành tựu về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, Việt Nam đã chủ động thông tin cho các nước, các tổ chức quan tâm thông qua các buổi làm việc, diễn đàn song phương, đa phương và kênh đối thoại nhân quyền thường niên với các nước Mỹ, EU, Úc, Na Uy. Bên lề Hội nghị Hội nghị COP26 tại Anh vào tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai về vấn đề nhân quyền”. Điều này thể hiện thiện chí cũng như sự cởi mở của Việt Nam.

Chính sách tôn giáo đúng đắn đó đã có tác dụng cổ vũ, động viên đồng bào theo tôn giáo và các chức sắc tôn giáo phấn khởi, chung sức, chung lòng cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc; sống tốt đời, đẹp đạo, phúc âm giữa lòng dân tộc.

Tuy nhiên, cùng với bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, Nhà nước ta cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Khoảng 1 Điều 64, Chương VIII, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. 

Vì vậy, việc một số chức sắc cực đoan như: Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Ngọc Nam Phong… lợi dụng buổi sinh hoạt tôn giáo đã lồng ghép các thông tin sai lệch, xuyên tạc, kích động các tín đồ chống đối chính quyền, xuyên tạc việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, việc Nhà nước ta đưa ra xét xử những đối tượng vi phạm pháp luật, điển hình như năm 2013 xét xử Phan Văn Thu và 21 đối tượng của “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” với tội danh Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức hoạt động chống phá chế độ dưới các chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” đã bị bắt vào ngày 30/7/2017 và truy tố tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79, Bộ luật Hình sự, đến ngày 04/6/2018, Nguyễn Bắc Truyển bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù và 3 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”... là hoàn toàn đúng pháp luật Việt Nam; thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Do đó, những cáo buộc của “Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ” (USCIRF) cho rằng: việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ở nhiều địa phương còn bất cập, thiếu đồng bộ; lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục đàn áp, sách nhiễu tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận; bắt giữ, truy tố, xét xử các “nhà hoạt động tôn giáo”, “tù nhân lương tâm”… là hoàn toàn vô căn cứ, phản ánh không đúng về tình hình, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đánh giá tiêu cực, sai lệch của USCIRF đã phủ nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Những đối tượng được USCIRF cho là “nhà hoạt động tôn giáo”, “tù nhân lương tâm” như trường hợp Nguyễn Bắc Truyển thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật và việc bắt giam, xét xử là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Không thể đánh tráo việc lợi dụng tự do tôn giáo với việc thực thi hoạt động tôn giáo thuần túy.

Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật liên quan đến tự do tôn giáo tương đối hoàn chỉnh, từ Hiến pháp năm 2013, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Với sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam cơ bản đã xây dựng hoàn thiện hệ thống luật pháp về tôn giáo làm công cụ pháp lý cho việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới ban hành luật riêng về tự do tôn giáo (hơn 20 quốc gia ban hành luật riêng về tôn giáo). Việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách và luật pháp về tôn giáo được quan tâm coi trọng, quyền tự do tôn giáo của mọi người được bảo đảm trong thực tế theo quy định của pháp luật.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được thực hiện trong thực tiễn, được pháp luật bảo hộ và được chính quyền tạo điều kiện. Trước hết, số lượng tín đồ các tôn giáo không ngừng gia tăng, sinh hoạt đời sống tâm linh, tôn giáo diễn ra sôi động. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, số lượng tín đồ, chức sắc tôn giáo không ngừng tăng lên. Năm 1997, cả nước có trên 15 triệu tín đồ, chiếm hơn 20% dân số; đến năm 2021, số tín đồ của 41 tổ chức tôn giáo đã được công nhận tăng lên 26,59 triệu người, chiếm trên 27% dân số. Bên cạnh đó có hơn 200 nghìn người thuộc 70 nhóm Tin lành tư gia và trên 30 nghìn người thuộc hơn 60 hiện tượng tôn giáo mới (“đạo lạ”), chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Ngoài ra, đại đa số người Việt Nam có đời sống tâm linh, theo tín ngưỡng đa thần truyền thống.

Người Việt Nam ít theo tôn giáo (27% dân số theo tôn giáo, trong khi 84,5% dân số thế giới theo tôn giáo), nhưng đa số người Việt Nam (trên 75% người Việt Nam nói chung; trên 80% người dân tộc thiểu số nói riêng) theo tín ngưỡng đa thần truyền thống. Đó là điểm khác biệt so với các quốc gia phương Tây hay quốc gia theo tôn giáo độc thần (Kitô giáo, Islam giáo). Vì thế, dù không theo tôn giáo, song người Việt Nam lại có đời sống tâm linh sâu đậm, tham gia sinh hoạt tín ngưỡng sôi nổi, nhiệt tình. Điều này thể hiện khá rõ trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống.

Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động ở khắp các vùng, miền, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp xã hội, nhất là vào dịp đầu năm, lễ hội truyền thống. Tín đồ các tôn giáo đều thực hiện sinh hoạt tôn giáo thường xuyên trong gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống của mỗi tôn giáo. Các tôn giáo đẩy mạnh hoạt động, nhiều sinh hoạt tôn giáo diễn ra với quy mô lớn, thời gian kéo dài, thu hút một số lượng rất lớn, không chỉ tín đồ, mà cả những người không theo tôn giáo tham dự. Nhiều hoạt động tôn giáo thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, như các kỳ đại lễ Vesark của Phật giáo (các năm 2008, 2014, 2019); lễ hành hương thánh địa La Vang, lễ khai mạc Năm thánh (năm 2010), đại hội giới trẻ của Công giáo; lễ công nhận pháp nhân, kỷ niệm khai đạo của Cao Đài; Phật giáo Hòa Hảo; lễ kỷ niệm 100 năm Tin lành đến Việt Nam (năm 2011); lễ kỷ niệm 500 năm cải cách Tin lành (năm 2017).

Các tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân ngày càng nhiều và tiếp tục gia tăng. Trước năm 1990, Nhà nước mới công nhận ba tổ chức, gồm Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc, năm 1958), Hội đồng Giám mục Việt Nam (năm 1980), Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 1981). Từ năm 1990 đến năm 2004 (trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) 6 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Islam giáo (Hồi giáo), 12 tổ chức tôn giáo được công nhận; từ năm 2004 đến năm 2017 (thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) có 15 tôn giáo, 37 tổ chức tôn giáo được công nhận; từ năm 2018 đến năm 2021 (thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo): 1 tổ chức tôn giáo được công nhận, 3 tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động. Đến năm 2021, cả nước có 16 tôn giáo với 41 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân hay đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn tổ chức tôn giáo trực thuộc, 3.803 điểm, nhóm đã được cấp giấy đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Sau khi được công nhận tư cách pháp nhân hay cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo, các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh hoạt động, tích cực củng cố tổ chức giáo hội, đào tạo chức sắc, xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ. Công tác đào tạo chức sắc được các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh. Trước năm 1990, cả nước có 6 cơ sở đào tạo tôn giáo (Phật giáo: 2, Công giáo: 4). Đến năm 2021, cả nước có 63 cơ sở đào tạo người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp (Phật giáo: 46; Công giáo: 11; Tin lành: 3; Cao Đài: 2; Phật giáo Hòa Hảo: 1), mỗi năm có hàng nghìn người tốt nghiệp. Năm 2021, cả nước có 8.884 người tốt nghiệp ra trường, 13.350 người đang theo học. Ngoài ra, còn có hàng trăm người đang du học tại nước ngoài. Nhờ vậy, số chức sắc, nhà tu hành tăng rất nhanh (từ 31.548 người năm 1995, lên 54.125 người năm 2021). Ngoài ra còn có đội ngũ nhà tu hành đông đảo (riêng Phật giáo hiện có 54.000 tăng, ni; Công giáo có 6.000 giáo sĩ, 31.000 tu sĩ). Cả nước hiện có trên 108.770 chức sắc, nhà tu hành(16), cơ bản đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn việc đạo cho tín đồ.

Công tác xây dựng cơ sở thờ tự được các tôn giáo quan tâm, đẩy mạnh. Từ năm 1990 đến nay, cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khá mạnh mẽ ở khắp nơi trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của giáo dân. Năm 2000, cả nước có 18.474 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, đến năm 2021 tăng lên 30.047 cơ sở(17), tăng 11.573 cơ sở trong 20 năm, bình quân mỗi năm có thêm 579 cơ sở thờ tự. Hầu hết các cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa khang trang to lớn, có công trình lên hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chính quyền địa phương quan tâm giải quyết, cấp đất cho các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở tôn giáo(18).

Các tôn giáo còn đẩy mạnh việc in ấn, xuất bản, dịch thuật một khối lượng lớn kinh sách, đồ dùng việc đạo. Trong 5 năm (2000 - 2004), Nhà xuất bản Tôn giáo đã in ấn, xuất bản được 719 ấn phẩm tôn giáo với số lượng 4,2 triệu bản, trong đó có nhiều kinh sách được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai. Đó là chưa kể một số lượng rất lớn kinh sách in ấn thông qua xuất bản khác hoặc được in ấn ở các cơ sở khác(19). Bên cạnh kinh, sách, báo chí in ấn, mảng kinh, sách, tài liệu, báo chí điện tử rất đa dạng, phong phú với số lượng không hạn chế cấp không cho tín đồ và những người quan tâm qua các phương tiện truyền thông xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tìm hiểu về tôn giáo, năm 2022, Bộ Công an cung cấp 17 đầu sách (9 đầu kinh sách, 8 đầu sách tìm hiểu về tôn giáo) với 4.418 cuốn cho 54 trại giam, tạm giam trong cả nước.

Những số liệu nêu trên là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điều ấy càng khẳng định sự đúng đắn trong chính sách, pháp luật về tự do tôn giáo của Việt Nam và sự phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, chứ không phải dựa vào một số hiện tượng nhỏ lẻ để rêu rao rằng, luật pháp Việt Nam “đi ngược với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm một cách có hệ thống tự do tín ngưỡng”. Những nhận định ấy là không đúng, thiếu khách quan với thực tế luật pháp, tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, làm tổn hại đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Do đó, việc Bộ Ngoại giao Mỹ không đưa Việt Nam vào nhóm các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC) theo đề nghị của Ủy ban này trong suốt 15 năm (từ năm 2007) đến nay là đúng đắn.

Như vậy, ở Việt Nam hiện nay không có tình trạng vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay đàn áp, sách nhiễu tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận; bắt giữ, truy tố, xét xử các “nhà hoạt động tôn giáo”, “tù nhân lương tâm”…  như báo cáo của USCIRF. Đây là một sự thật, không có gì phải bàn cãi./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét