Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG KHÔNG PHẢI LÀ “SỰ ĂN MAY”

 Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị lâu dài, trải qua 3 cuộc vận động cách mạng lớn để khi tình thế trực tiếp xuất hiện, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên làm cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.

Gần 8 thập niên trôi qua kể từ khi diễn ra sự kiện này, vẫn còn có những ý kiến cho rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam bùng nổ và thành công nhanh chóng chẳng qua là một “sự ăn may” do khách quan mang lại, nhờ vào cái gọi là “khoảng trống quyền lực” và nhờ vào việc “quân đội Nhật Bản đã đầu hàng quân Đồng minh”… 

Trước hết, cần phải khẳng định, trong khoảng thời gian từ khi quân Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp (9-3-1945) đến ngày Hà Nội tổng khởi nghĩa thành công (19-8-1945), ở Việt Nam không hề tồn tại một “khoảng trống quyền lực” nào cả. Như nhiều người đã biết, ngay sau cuộc đảo chính lật đổ quân Pháp, Tập đoàn quân 38 của Nhật đã nhanh chóng thiết lập bộ máy thống trị giành quyền kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương. Các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng… đều đặt dưới sự kiểm soát của quân Nhật. Chính phủ Trần Trọng Kim-một bộ máy chính quyền do Nhật dựng lên-tuy không nắm thực quyền nhưng vẫn là một chính phủ đầy đủ ban bệ. Chính phủ này cho đến ngày 17-8 vẫn còn cử người liên lạc, “mặc cả” với Việt Minh đòi chia sẻ quyền lực.

Trước đó, ngày 14-8, một ngày sau khi Ủy ban khởi nghĩa phát đi bản Quân lệnh số 1, Chính phủ Trần Trọng Kim còn ra tuyên bố “Nhất quyết không chịu lùi một bước trước một khó khăn nào để làm tròn sứ mệnh…” và họ cam đoan “vẫn hợp tác chặt chẽ với nhà đương cục Nhật”. Ngay trong ngày 19-8, tại Hà Nội vẫn còn diễn ra một cuộc “dàn xếp thỏa hiệp” giữa chính phủ Trần Trọng Kim với chỉ huy Tập đoàn quân 38 của Nhật. Tuy nhiên sự thỏa hiệp đó bất thành.

Thời cơ tổng khởi nghĩa chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng đó là “thời cơ vàng” mà Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ đã kịp thời chớp lấy, lãnh đạo toàn dân dốc toàn lực tung ra đòn quyết định giành chính quyền trong cả nước một cách nhanh nhất. Tổng khởi nghĩa nổ ra vào thời điểm khi mà ở trong nước, cao trào kháng Nhật, cứu nước đã phát triển lên đến đỉnh cao, chỉ huy Tập đoàn quân 38 của Nhật tuy chưa nhận được lệnh ngừng bắn nhưng tỏ ra bối rối trước diễn biến của tình hình; chính quyền tay sai hoang mang và tỏ ra bất lực; quân Nhật ở Đông Dương tuy còn đông và trang bị mạnh nhưng nhuệ khí và tinh thần chiến đấu đã suy giảm; quân đội Anh, Pháp, Tưởng thì chưa kịp kéo vào.

Như vậy, có thể khẳng định, nhờ có một quá trình chuẩn bị chu đáo, tạo thế, tạo lực cho cách mạng, khi tình thế biến chuyển, thời cơ xuất hiện, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời nắm bắt thời cơ, phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa mới là nhân tố chính đưa đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chứ tuyệt nhiên không phải là một “sự ăn may”,  “do yếu tố khách quan mang lại” như một số ý kiến đã ngộ nhận.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét