Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

 Trong giai đoạn hiện nay, những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta là một trong những chiêu thức, thủ đoạn hết sức thâm độc, nham hiểm của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội nhằm phủ nhận đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, nhất là suy diễn một cách phiến diện, bịa đặt, xuyên tạc mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt lợi dụng một số vấn đề còn bất đồng, tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa nước ta và Trung Quốc trên biển Đông để cố tình xuyên tạc cho rằng chúng ta quá lệ thuộc vào Trung Quốc, từ đó kích động một bộ phận quần chúng có cách nhìn phiến diện, tiêu cực, thiếu khách quan, toàn diện cố tình xuyên tạc sự thật về mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc. Gần đây nhất ngày 10/8/2023, trên trang blog Đối thoại, đối tượng Tử Long phát tán bài “Việt Nam vẫn im lặng về vụ bãi Cỏ Mây”; ngày 11/8/2023, trên trang blog VOA Tiếng Việt tán phát tin bài “Việt Nam muốn mở thêm Tổng lãnh sự quán ở Trung Quốc, hứa không tiếp xúc chính thức với Đài Loan”, nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại, chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam và chuyến thăm, làm việc của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tại Trung Quốc, kêu gọi Việt Nam cần thay đổi biện pháp trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Thực tiễn cách mạng đã khẳng định và chứng minh rằng: Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng và nhất quán thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại và ngoại giao “cây tre Việt Nam” rất đặc sắc, độc đáo mang đậm bản sắc, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đối với Trung Quốc, nước ta đã có những bước phát triển mới, là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2008, hai nước thiết lập quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Hai nước đã ký nhiều hiệp định và văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Hợp tác giữa hai Đảng được đẩy mạnh và tốt đẹp; quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, từ năm 2004, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam; tính đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 175,57 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, còn nhập khẩu 117,87 tỷ USD.  Như vậy kể từ khi bình thường hóa quan hệ , kim ngạch thương mại Việt - Trung tăng hơn 5.400 lần, từ 32 triệu USD (1991) lên gần 175,57 tỷ USD (2022).

Về các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, sau rất nhiều lần đàm phán ở nhiều cấp, nhiều năm, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết hoàn toàn   vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000; đến năm 2008, hai nước đã hoàn thành  việc hoạch định đường biên giới trên văn bản và bản đồ và việc phân giới cắm mốc trên thực địa toàn bộ đường biên giới; đánh dấu vị trí biên giới bằng hệ thống 1971 cột mốc (1379 mốc chính, 402 mốc phụ) với tổng chiều dài 1.449,566 km. Đối với vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, chúng ta thấy rất rõ đây là vấn đề lịch sử, phức tạp, lâu dài khi xem xét cần phải kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo, tránh nóng vội chủ quan. Hai bên đã nhất trí giải quyết trên tinh thần nhìn từ tầm cao chiến lược, vì lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị, truyền thống, không để ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định của mối quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2022, hai bên nhất trí giải quyết về vấn đề trên biển với chủ trương kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là vô cùng quan trọng, đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp. 

 Tóm lại, âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn và mối quan hệ hữu nghị Việt Nam và Trung Quốc chỉ là những chiêu thức, thủ đoạn hết sức nham hiểm, thâm độc để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động sử dụng nhằm tuyên truyền, kích động chống phá môi trường hoà bình, ổn định, gây mất uy tín của Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy mỗi chúng ta hãy hết sức sáng suốt, tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh phản bác, vạch trần bộ mặt phản động, phản khoa học trước những luận điệu trên./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét