Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC NỀN KINH TẾ Ở NƯỚC TA

 Hơn 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nhất là từ khi Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay đã làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước được nâng lên, chưa bao giờ có như ngày nay, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, dưới chiêu bài “Diễn biến hoà bình”, các thế lực thù địch thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. 

Một số thủ đoạn “Diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực kinh tế ở nước ta thời gian qua.

Thứ nhất, các thế lực thù địch đẩy mạnh xuyên tạc và xoá bỏ giá trị thặng dư của C.Mác; cho rằng, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), sản xuất hàng hoá cũng bóc lột giá trị thặng dư; qua đó nhằm xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà đất nước ta đang xây dựng và phát triển. Đặc biệt, từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng nước ta thừa nhận kinh tế thị trường là đang mở đường cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, phát triển kinh tế tư nhân là quay lại đúng quỹ đạo để phát triển theo tư bản chủ nghĩa, mở đường cho “tư nhân hoá”, “tự do hoá” về kinh tế…

Thứ hai, lợi dụng chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, thông qua các hoạt động hợp tác, đầu tư… các thế lực thù địch tìm cách từng bước làm biến đổi cơ sở kinh tế, xã hội của Chủ nghĩa xã hội ở nước ta, gây áp lực đòi Việt Nam phải “tư nhân hoá” nền kinh tế. Các thế lực thù địch cho rằng, Việt Nam cần tự do hoá các nguồn vốn ngoại tệ, khuyến khích tăng giá đồng nội tệ, nới lỏng chuyển đổi tự do giữa đồng nội tệ và các ngoại tệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tự do hoá thị trường tài chính, xây dựng ngân hàng Trung ương thực sự độc lập.

Thứ ba, thông qua các hoạt động đầu tư, thương mại, viện trợ kinh tế… các thế lực thù địch tìm cách tạo ra sự phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các ngành kinh tế, từ đó dẫn đến sự mất cân đối của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, thông qua các hoạt động hợp tác, đầu tư…, các thế lực thù địch tìm cách gây sức ép về chính trị, đặt ra những điều kiện ràng buộc trong quan hệ ngoại giao với nước ta, từ đó hòng can thiệp vào nội bộ của các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị nước ta.

Thứ tư, lợi dụng những tồn tại, hạn chế nảy sinh trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, nhất là lợi dụng việc thời gian gần đây, nước ta xử lý nhiều đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong đó có những người nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội; kích động, cổ suý, làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Cần xác định rằng, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta đang xây dựng là “một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường”, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta được xác định dựa trên chế độ sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần song kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Nước ta thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với phương diện là con đường để huy động vốn, phát triển khoa học, công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân chứ không phải là mục iêu của nhiệm vụ xây dựng quan hệ sản xuất mới. Để đảm bảo yếu tố định hướng XHCN, nền kinh tế thị trường ở nước ta không phải là hoàn toàn tự do mà đặt trong “khuôn khổ”, đó là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam.

Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về đường lối phát triển kinh tế của đất nước ta

Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, khẳng định giá trị, vai trò của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạch định đường lối xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tăng cường tuyên truyền về thành tựu nước ta đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, qua đó, khẳng định những luận cứ khoa học cho cuộc đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.

Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua đó, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và lý luận nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rõ bản chất của thông tin xuyên tạc, từ đó có khả năng nhận diện và “miễn dịch” trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về nền kinh tế của nước ta.

Tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá đói, giảm nghèo, bảm đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách a sinh xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục sự lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức vụ. Đầy manh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quản lý điều hành của Chính phủ; sự đồng hành của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp; sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Đất nước ta từ một nước nghèo, cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế  - xã hội lạc hậu, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, năm 2022, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt tình hình kinh tế - xã hội nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước; cả năm ước tăng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Đây là minh chứng cho sự đúng đắn trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét