Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

HIỂU ĐÚNG VỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chúng phát tán các bài viết, đưa ra các quan điểm xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”. Đáng chú ý, ngày 03/8/2023, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Chuyên gia nhân quyền lo ngại tư duy siết chặt tự do của quan chức Việt Nam”; ngày 04/8/2023 tán phát bài “Báo cáo nhân quyền – dân chủ 2022: Việt Nam tiếp tục giới hạn quyền chính trị, dân sự”, nội dung xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong vấn đề bảo đảm quyền con người; vu cáo chính quyền “ngăn cấm” quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, “vi phạm” tự do lập hội; đồng thời, kêu gọi tự do phát triển các “tổ chức xã hội dân sự”. Vậy, nhân quyền là gì? Và quan điểm của Đảng ta về vấn đề này như thế nào?

Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người. Có thể khái quát, quyền con người là các quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.

Việt Nam nhận thức sâu sắc quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc và giá trị đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, được ghi rõ trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948; vì thế tôn trọng, thực thi, bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng ta không chỉ ủng hộ những tư tưởng tiến bộ về quyền con người được Liên hợp quốc khẳng định trong Tuyên ngôn và các văn kiện quan trọng khác, mà còn nỗ lực xây dựng, triển khai các chính sách để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và sự quyết tâm, thực thi đó đã đạt được các kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Và không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được bình chọn vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, đó là nhờ những thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong thực hiện vấn đề nhân quyền, đúng như nhận định của ông Jean - Pierre Archambault, nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt khi cho rằng: “Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.

Tuy nhiên, quyền con người không phải là một khái niệm tuyệt đối và trong một số trường hợp cần phải được hạn chế nhằm đảm bảo trật tự xã hội. Một đặc trưng quan trọng của nhân quyền đó là: Nhân quyền mang tính phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử, văn hóa, quốc gia, dân tộc, tôn giáo là bản chất của quyền con người. Và theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966), một số quyền có thể bị giới hạn vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức xã hội, quyền và tự do của người khác ngay cả quyền được sống, quyền tự do đi lại, cư trú, quyền lập hội…

Trên cơ sở các Công ước quốc tế về quyền con người và những yêu cầu thực tiễn Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Khoản 2, Điều 14 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”. Có thể thấy, Việt Nam không chỉ tôn trọng nhân quyền mà còn tạo điều kiện để nhân quyền vừa được phát huy cao nhất, vừa hoạt động đúng pháp luật, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng.

Vì vậy, những luận điệu cho rằng: Việt Nam “vi phạm” nhân quyền; “giới hạn” quyền chính trị, dân sự; “ngăn cấm” quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân; “vi phạm” tự do lập hội… chỉ là sự ngụy biện, đánh tráo khái niệm của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị rêu rao nhằm đạt được mưu đồ, thủ đoạn chống phá của chúng. Chúng ta, những công dân chân chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần nhận thức rõ vấn đề này và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch để bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà chúng ta đang thụ hưởng trên cơ sở hiểu biết và thực thi theo đúng hiến pháp, pháp luật./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét