Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TRÊN LĨNH VỰC GIÁO DỤC HIỆN NAY

 Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, không những thế, nó còn tác động đến mọi gia đình, mọi con người trong xã hội. Do đó, đây là lĩnh vực các thế lực thường xuyên tìm cách tuyên truyền, xuyên tạc những thành quả của nền Giáo dục nước ta hay xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Vốn là dân tộc coi trọng truyền thống giáo dục, trọng văn hơn trọng võ, từ lâu, ông cha ta rất quan tâm đến sự học và truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào tư tưởng, nếp sống của các tầng lớp nhân dân. Trong lịch sử dân tộc, nhiều triều đại rất quan tâm đến sự học, cũng như chăm lo đến công tác giáo dục, đào tạo, phát triển, trọng dụng nhân tài.

Dù vậy, trong bối cảnh lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, trải qua những năm tháng sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, bị áp dụng chính sách “chia để trị, ngu để trị”, dân tộc ta bị lâm vào cảnh nhiều người mù chữ.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền còn non trẻ đó là diệt “giặc dốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan niệm “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, cùng khát khao cháy bỏng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã phát động phong trào Bình dân học vụ để diệt giặc dốt và lan tỏa khắp các thôn làng, ngõ hẻm.

Suốt 78 năm qua, kể từ phong trào Bình dân học vụ đến phong trào xóa mù chữ và phong trào xã hội học tập ngày nay là những bước tiến quan trọng của nền giáo dục Việt Nam.

Khái quát lại bối cảnh lịch sử để thấy rằng, thành tựu của nền giáo dục ngày nay là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ, là bước tiến vượt bậc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo toàn diện, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành linh hoạt của Nhà nước cùng sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.

Nhận thức được vị trí, vai trò đặc biệt của Giáo dục và Đào tạo, toàn Đảng, toàn dân ta đã cùng nhau chăm lo, xây dựng một nền giáo dục đại chúng, nhân văn và tương đối phát triển. Tuy nhiên, trước những đổi thay nhanh chóng của kinh tế - xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, việc phải đổi mới và thường xuyên đổi mới Giáo dục và Đào tạo là tất yếu. Trước tình hình đó, Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện Nghị quyết này, các ngành, các cấp, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực cải cách, đổi mới mọi khâu, mọi cấp học.

Nhờ có một nền giáo dục phát triển mà đất nước ta đổi mới thành công và đang từng bước khẳng định vị thế trong quá trình hội nhập với thế giới. Những thành quả đạt được của giáo dục Việt Nam qua các cuộc thi học sinh giỏi, thi Olympic các môn; sự thành công của nhiều học giả, nhiều nhà khoa học người Việt trên thế giới đã chứng minh điều đó. Trong một hệ thống giáo dục rộng lớn, phát triển đa diện, không tránh khỏi có những sai lầm. Nhất là trong thời đại mọi yếu tố đều phát triển rất nhanh, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, thì điều đó càng khó tránh khỏi. Cho nên một số lỗi, một số khuyết điểm của cả giáo viên và học sinh, một số sai sót ở một số khâu nào đó của giáo dục không thể đổ lỗi cho cả hệ thống. Do đó cần cảnh giác với một số luận điểm của các thế lực thù địch lợi dụng việc cải cách, đổi mới căn bản Giáo dục và Đào tạo để thực hiện mưu đồ ở những nội dung sau:

Một là, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước về Giáo dục và Đào tạo. Một số yếu kém trong Giáo dục và Đào tạo được họ khai thác triệt để như: nội dung, chương trình giáo dục cho các cấp, việc tổ chức tuyển sinh, việc xuất bản sách giáo khoa... Chúng cho rằng đó là do lỗi của sự lãnh đạo và quản lý, ở đây họ chỉ nhìn thấy lỗi, thấy khuyết điểm mà không hề thấy những thành quả to lớn của giáo dục đã đạt được, những thành quả đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước XHCN. 

Hai là, thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong Giáo dục và Đào tạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào giáo dục nước nhà, cũng là giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước XHCN. 

Cả hệ thống chính trị cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo đang tự làm lành mạnh, trong sạch bên trong, quá trình này tất yếu phải loại bỏ những yếu tố tiêu cực, cản trở sự phát triển, đương nhiên những cái đó cần được lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc lên án này không được quy chụp cho cả hệ thống giáo dục, không được xuyên tạc từ một vài hiện tượng để đi đến kết luận bản chất. 

Đáng ngại hơn, hiện nay một số người do không hiểu mức độ nguy hại của việc đưa những tin sai trái, đã câu like, a dua cho thêm vài tình tiết, giới thiệu thêm hình như chỗ này, chỗ nọ cũng có tiêu cực, yếu kém;v.v. làm tăng thêm vẻ hiếu kỳ, như vậy vô tình đã tuyên truyền không công cho địch, không những thế, hành vi ấy còn vi phạm pháp luật mà không biết. 

Ba là, sùng ngoại, bài nội trong vấn đề giáo dục. Nhiều người chưa biết giáo dục các nước như thế nào, nhưng lại nức tiếng khen họ và chê bai nền giáo dục nước nhà. Một số khác cố gắng dành dụm để cho con mình ra nước ngoài học bằng được để mong con mình hơn con người. Có thể nói, giáo dục Việt Nam phải xây dựng từ điều kiện tự nhiên, về văn hóa, về con người, từ kinh tế - xã hội cụ thể của Việt Nam kết hợp với những thành quả khoa học của nhân loại.

Một số người đã bị lôi kéo, mua chuộc, họ nói xấu dân tộc, nói xấu chế độ chính trị. Một số người học xong không trở về quê hương để phục vụ, đóng góp sáng kiến cho dân tộc phát triển. Một số người có vẻ như quên luôn cả nguồn gốc của mình, cứ tưởng học được như vậy là tài và nói xấu, chê bai giáo dục nước nhà, cho là lạc hậu, là yếu kém, dần dần chê luôn cả dân tộc mình, mà họ không nghĩ rằng ở đó có trách nhiệm của mình. Với cách hành xử như vậy, họ đã và đang xâm hại đến truyền thống gia đình, dòng họ. Toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực để giáo dục Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Với những kết quả đạt được trong các hội nghị của Trung ương, của Đảng, thấy rằng công tác giáo dục, đào tạo tiếp tục được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân hết sức quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến đổi mới, hiệu quả thực chất, chất lượng đầu ra... Chính phủ cũng đã có kế hoạch, chương trình thanh tra toàn diện khâu in ấn, biên soạn, xét duyệt sách giáo khoa. Chúng ta tin tưởng rằng, với đường lối lãnh đạo đúng đắn, những chủ trương phù hợp, những quyết sách mạnh tay sẽ đưa nền giáo dục nước nhà có những chuyển biến mới, tiếp tục khẳng định vị thế trên thế giới; góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức vững mạnh, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu thời đại./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét