Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH “4 KHÔNG” CÓ TRÁI VỚI XU THẾ THỜI CUỘC VÀ DẪN TỚI VIỆT NAM BỊ CÔ LẬP TRONG TÌNH HUỐNG NGUY HIỂM KHÔNG?

 

Bàn về xu thế thời cuộc: Những năm tới, trên toàn cầu cũng như trong khu vực được dự báo sẽ còn xuất hiện nhiều diễn biến mới, bất định, khó lường; An ninh, chính trị thế giới thay đổi nhanh chóng; Cục diện thế giới chuyển từ “nhất siêu đa cường” theo xu hướng “đa cực, đa trung tâm” sẽ diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn; Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, “vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau”; Chủ nghĩa “cường quyền áp đặt” cùng với chủ nghĩa “thực dụng” ngày càng thể hiện đậm nét trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại. Sự phát triển của nhân loại dù phải trải qua những bước quanh co, với nhiều trang đẫm máu, nhưng tiến bộ vẫn là đường hướng, trục chính của lịch sử loài người. Chiến tranh sớm, muộn cũng sẽ phải lùi dần nhường bước cho nhân văn và những điều tốt đẹp.

Đánh giá về tình hình thời cuộc, Đảng ta nhận định: “… hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng” (1). Vì vậy, phản đối chiến tranh, ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta và được thể hiện trong chính sách “bốn không” là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thời cuộc và xu thế chung của lịch sử nhân loại.

Việt Nam có bị cô lập trong những tình huống nguy hiểm khi thực hiện chính sách “bốn không”? “Tình huống nguy hiểm” nêu trên muốn nói đến là chủ quyền, quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm hại. Tuy nhiên, với đường lối đối ngoại: Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế phấn đấu vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển, cùng với sự chính nghĩa trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trên Biển Đông, Việt Nam hoàn toàn không bị cô lập.

Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, mọi cuộc chiến tranh phi nghĩa dù có chiến thắng trong trước mắt thì sớm hay muộn cũng sẽ thất bại. Cuộc chiến tranh chính nghĩa dù có gặp khó khăn, thì sớm hay muộn cũng sẽ thành công và khẳng định chân giá trị của nó trong lịch sử nhân loại. Vì vậy, các thế lực thù địch dù có ỷ vào quân đông, thế mạnh gây sức ép, hoặc đe nẹt các nước nhỏ, thể hiện ý đồ bành trướng, bá quyền sẽ không quy tụ được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, thậm chí sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt của các nước, các tổ chức quốc tế. Đứng về phía chính nghĩa, đi cùng chính nghĩa sẽ luôn tụ hội được đông đảo quần chúng Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Và như thế, Việt Nam bị cô lập trong những tình huống nguy hiểm là điều không thể xảy ra.

Sau hơn 35 năm đổi mới, thế, lực, cơ đồ, uy tín và sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng cường. Tuy nhiên, khó khăn còn lắm, thách thức còn nhiều. Điều đó đòi hỏi, để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử, khẳng định sự trường tồn của quốc gia,

dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên hiện thực hóa khát vọng của một dân tộc phồn vinh, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng vũ trang phải kiên định bản lĩnh chính trị; nắm vững và vận dụng sáng tạo các quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Đồng thời, luôn mài sắc tinh thần cảnh giác cách mạng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, tiếp tục đổi mới sâu sắc và toàn diện các mặt công tác; nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét