Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, KÍCH ĐỘNG KÊU GỌI VIỆT NAM THAM GIA LIÊN MINH QUÂN SỰ, HỢP TÁC QUỐC PHÒNG VƠI MỸ ĐỂ CHỐNG TRUNG QUỐC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, nhiều diễn đàn trên mạng xã hội lên tiếng bóp méo, xuyên tạc rằng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn, như thế là “tự cô lập” mình, “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Lợi dụng một số hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian qua, nhất là việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ, một số thế lực cố tình xuyên tạc rằng Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân nước này chống nước kia”, theo đó họ cáo buộc Việt Nam đã “từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình”.

Thứ hai, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cho rằng đường lối, chính sách đó đã “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp”, nhất là trong tình hình hiện nay. Trên các trang mạng xã hội của các thế lực phản động, không ít cá nhân, nhóm người tự xưng là “người yêu nước”, “tâm huyết” với vận mệnh quốc gia dân tộc đã viết bài phát tán với những giọng điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối đối ngoại của Đảng ta. Họ lập luận rằng, thế giới hiện nay đang là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau, nên việc Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, “tự mình cô lập mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy của thế giới bên ngoài”, chính sách đối ngoại đó đã thực sự “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp” và đã trở thành “lực cản” đối với sự phát triển đất nước.

Thứ ba, một số phần tử phản động trong và ngoài nước lên tiếng xuyên tạc chính sách đối ngoại trên lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam, cho rằng Đảng, Nhà nước ta thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) là “tự trói tay mình”, là chính sách “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi” vì nếu không thay đổi sẽ không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước. Từ đó, họ kêu gọi Việt Nam cần tham gia các tổ chức quân sự, các liên minh quân sự quốc tế để tăng thêm thế lực.

Mặc dù nội dung và hình thức xuyên tạc có thể khác nhau, nhưng các thế lực thù địch đều có mục đích giống nhau là nhằm xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, chống phá cách mạng Việt Nam. Sự chống phá đó rất nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với các nước trên thế giới, hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị quốc tế. Những luận điệu đó không thể làm chệch hướng, vô hiệu hóa đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, không thể hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, nhưng cúng khiến cho một bộ phận trong xã hội hoang mang, dao động, làm giảm niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gây khó khăn cho Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế.

Khẳng định chính sách quốc phòng 4 không của Việt nam trong quan hệ quốc tế.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn”. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể đứng ngoài xu thế này. Các chủ thể quan hệ quốc tế cần có sự tương tác, phối hợp, dù mối quan hệ đó có những nội dung, hình thức và mức độ khác nhau. Các quốc gia không thể đứng độc lập riêng lẻ mà phải có sự kết nối với các nước khác, đặc biệt chú trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn. Đó vừa là xu thế, vừa là phương thức cơ bản bảo đảm an ninh và phát triển của mỗi nước trong giai đoạn hiện nay.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã chỉ rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Kế thừa và phát triển quan điểm chỉ đạo đó, tại các kỳ Đại hội, Đảng ta vẫn tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

Vị thế, uy tín ngày càng tăng của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đã cho thấy những luận điệu cho rằng chính sách quốc phòng “bốn không” là “tự trói tay mình”, “cần phải thay đổi”, nếu không thì không thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền đất nước... thực chất chỉ nhằm tạo ra sự hoài nghi, hoang mang, dao động, từ đó đẩy nước ta rơi vào sự lệ thuộc, phụ thuộc mới. Cần khẳng định rõ rằng, trong lịch sử từ trước tới nay, Nhân dân Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc luôn dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần tự lực tự cường, phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Chính sách quốc phòng “bốn không”, mà trọng yếu là không liên minh quân sự là biểu hiện đặc thù của đường lối, chính sách độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng trong bối cảnh lịch sử mới, là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Thực hiện chính sách này, chúng ta mới có thể kết hợp và phát huy tốt nhất các nguồn sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền. Vì vậy, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam là đi ngược lại lợi ích chung của đất nước và Nhân dân; là sự phủ nhận trắng trợn những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách đối ngoại. Những thành tựu không thể phủ nhận của chính sách và công tác đối ngoại của nước ta trong thời kỳ đổi mới chính là minh chứng để khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; vừa là luận cứ xác đáng để đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tỉnh táo nhận diện những luận điệu đó để có cách thức đấu tranh hợp lý chính là cách để mỗi chúng ta tiếp tục bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét