Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG BỐN “KHÔNG” CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ, chủ trương của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch căn cứ vào những điểm mới trong sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 để đưa ra luận điệu sai trái, suy diễn không có căn cứ và xuyên tạc nguyên tắc “bốn không”. Họ cho rằng: Việt Nam đưa ra cái “không” thứ 4 khi đang ở thế bị động và sẽ nghiêng vào một nước khác khi cần thiết. Rằng: “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là “tự trói tay chân mình” và không phù hợp với tình hình thực tế, đi ngược lại với xu thế toàn cầu hóa; “không sử dụng vũ lực” nghĩa là Việt Nam từ bỏ việc dùng vũ lực trong bảo vệ đất nước; họ đả kích, cho rằng nếu thực hiện chính sách quốc phòng như trên thì Việt Nam sẽ không thể giữ vững chủ quyền, không thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc rồi tìm cách hô hào cổ súy tư tưởng dựa dẫm, lệ thuộc vào các nước lớn v.v.

Sự thật có phải là như vậy? Phải chăng đây là sự “góp ý, hiến kế” xuất phát từ lòng yêu nước, vì chủ quyền dân tộc, góp phần cho tiếng nói lương tri của con dân đất Việt như họ rêu rao?  Để giải quyết luận điểm này, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng, Việt Nam đưa ra chính sách “4 không” trong sách trắng Quốc phòng là thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong thời bình; mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung. Tùy vào diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước trong tình hình mới và lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn đời nay của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, sức mạnh nội lực, ý chí tự cường luôn là nguồn sức mạnh to lớn nhất, vững chắc nhất để bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, với chính sách “bốn không” trong quan hệ quốc phòng, Việt Nam có thể đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm chủ quyền, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Không tham gia các liên minh quân sự không đồng nghĩa với việc chúng ta bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài. Nước ta vẫn là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, luôn có sự giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, thực hiện cam kết vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là, chúng ta đã cử Sĩ quan liên lạc công tác ở Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, v.v.

Chúng ta cần xác định rõ, tất cả các liên minh quân sự đều bắt nguồn từ việc chia sẻ lợi ích. Không một quốc gia nào sẵn sàng hy sinh vì quốc gia khác mà không có lợi ích của mình. Mục đích sâu xa khi các đối tượng kêu gọi nhằm lái Việt Nam tham gia các liên minh quân sự, đặc biệt là liên minh với các quốc gia phương Tây, đưa Việt Nam vào quỹ đạo lệ thuộc để tiến hành thay đổi chế độ chính trị và bản chất xã hội của chúng ta. Nếu không thực hiện đường lối quốc phòng độc lập, tự chủ, chính bản thân chúng ta sẽ bị chuyển hóa, lệ thuộc. Các luồng thông tin sai lệch được các đối tượng đưa ra nhằm kêu gọi, hướng lái Việt Nam tham gia các liên minh quân sự; đặc biệt, là liên minh với các quốc gia khác và từng bước làm lệch lạc ý nghĩa trong chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ của Việt Nam. Những luận điệu sai trái này nhằm thúc đẩy ý đồ gây ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.

Trật tự thế giới đa cực hiện nay, các mối quan hệ quốc tế trở nên phức tạp hơn bao giờ hết; ranh giới giữa đối tượng và đối tác luôn luôn tồn tại và đan xen lẫn nhau. Trong cùng một chủ thể có những khía cạnh là đối tác để chúng ta tranh thủ hợp tác cùng phát triển, nhưng cũng có khía cạnh là đối tượng để đấu tranh. Việc nghiêng vào bất cứ phe nào, phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào cũng không phải là lựa chọn thích hợp. Chỉ có phát huy sức mạnh độc lập, tự chủ mới là cách thức tối ưu nhất để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, chúng ta cần nhận diện rõ bản chất của cái gọi là “hiến kế”, “đấu tranh phản biện”,… trên các diễn đàn đầy tính xuyên tạc để có góc nhìn thấu đáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét