Thời
gian vừa qua, một số người núp dưới danh nghĩa “tư vấn”, “góp ý kiến”, đã đưa
ra yêu sách, đòi hỏi phi lý rằng Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập và tham
gia liên minh quân sự với nước ngoài, rằng không liên minh quân sự là đi ngược
lại xu thế của thời đại. Họ “lập luận” rằng, các lực lượng vốn là cựu thù của
Việt Nam trước đây thì trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đã trở thành đối
tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam; trái lại, có nước tuy là đối
tác của Việt Nam nhưng đang có mưu đồ, dã tâm thôn tính lãnh thổ Việt Nam. Họ
“biện bạch” rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, không liên minh quân sự là lỗi
thời, lạc hậu. Thế giới đã chứng kiến có những thế lực từng là kẻ thù của nhân
loại thì trong giai đoạn mới này đang có những liên minh, liên kết chặt chẽ để
khẳng định vị thế, vai trò, “tiếng nói” quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Do
đó, họ ra sức “khuyên can”, “hiến kế” với Đảng, Nhà nước ta nên liên minh quân
sự, bằng mọi giá phải liên kết với nước này thì mới kiềm chế, đối phó được với
nước kia để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Không
tham gia liên minh quân sự là “đường lối sai lầm”, “đối sách nhu nhược”, tự
dâng non sông cho nước khác, tự cô lập mình, tước đi cơ hội hợp tác với các nước
lớn trong bảo vệ Tổ quốc. Thậm chí, họ còn suy diễn đây là một trong những “điều
khoản thỏa thuận” được ký kết giữa Việt Nam với một số nước mà ta đang chịu sự
“chi phối”, “lệ thuộc”; từ đó “kiến nghị”, đòi hỏi lực lượng vũ trang nhân dân
cần phải thay đổi, xác định lại đối thủ, không biến “thù” thành “bạn” hoặc coi
“bạn” là “thù”...
Việt Nam
không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới không tham gia liên minh quân sự
và liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện
nay. Đây là quan điểm nhất quán và sự khẳng định đó xuất phát từ
một số lý do cơ bản:
Thứ nhất, liên minh quân sự tuy là một vấn đề khá phổ biến với
nhiều nước nhưng luôn bao hàm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Tính hai mặt của liên
minh quân sự luôn đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, gây nguy hại đến mục tiêu giữ
vững môi trường hòa bình, ổn định và an ninh của các quốc gia, các khu vực và
toàn thế giới. Trong đó, về mặt tích cực, liên minh quân sự có thể
làm gia tăng sức mạnh quân sự, quốc phòng; tạo sự chuyển hóa về thế trận và lực
lượng quân sự trên chiến trường để thực hiện các chiến lược chiến tranh hay
chiến dịch quân sự cả trong tiến công và phòng ngự; tạo thêm uy tín, vị thế và
sức mạnh cho quốc gia tham gia liên minh. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực,
liên minh quân sự trực tiếp khiến căng thẳng gia tăng, làm xuất hiện tình trạng
đối đầu giữa các nước trong và ngoài liên minh, nhất là khi giữa các nước, các
khối quân sự vốn có những mâu thuẫn về lợi ích. Đặc biệt, khi tham gia liên minh,
các nước tuy nằm trong một khối quân sự chung nhưng luôn đặt dưới sự lãnh đạo,
chỉ huy của nước lớn, có tiềm lực mạnh trong liên minh và phải tuân thủ các
nguyên tắc của liên minh, kể cả khi nguyên tắc ấy không phù hợp với lợi ích
quốc gia mình. Mỗi thành viên, nhất là các nước nhỏ yếu sẽ không còn sự độc
lập, tự chủ về những vấn đề cơ bản của quốc gia mà dễ trở thành “con tốt trên
bàn cờ” để các nước lớn, các tập đoàn quân sự hùng mạnh thỏa hiệp với nhau,
thực thi chính sách lôi kéo, ép buộc, khống chế các nước nhỏ trong liên minh.
Trong khi thực tế không có nước nào chấp nhận hy sinh lợi ích của dân tộc mình
vì lợi ích của nước khác, kể cả nước đó là đồng minh chiến lược của mình. Thêm
nữa, nguyên nhân dẫn đến xung đột, leo thang quân sự ở nhiều nơi trên thế giới
xuất phát từ việc chính phủ và người dân ở những nơi này không đề cao nguyên
tắc độc lập dân tộc, quyền tự quyết của quốc gia, mà lại trông chờ sự cứu giúp
của các lực lượng bên ngoài. Đằng sau sự giúp đỡ tưởng như vô tư đó là hàng
loạt toan tính, mưu đồ, tham vọng về lợi ích, quyền lực của các cường quốc.
Theo đó, hòa bình, ổn định chưa thấy mà hậu quả là sự chia cắt, bất ổn, nội
chiến, “nồi da nấu thịt”,... hiện hữu, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Và
như vậy, “lợi bất cập hại”, “hại” sẽ nhiều hơn “lợi” khi tham gia liên minh
quân sự, nhất là trong giữ vững độc lập, tự chủ, môi trường hòa bình, ổn định
của đất nước.
Thứ hai, liên minh quân sự không phải là giải pháp tối ưu trong
bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Trong lịch sử, đã có việc
một số nước lớn lợi dụng liên minh quân sự để thỏa hiệp, mặc cả, đổi chác với
nhau vì lợi ích dân tộc hẹp hòi của họ; thông qua viện trợ quân sự để có những
động thái chi phối, tác động đến hoạt động quốc phòng, phương thức tác chiến
của quân đội ta. Cho nên, việc tìm kiếm hay tham gia các liên minh quân sự
không phải là giải pháp tối ưu, hiệu quả để bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quan
hệ quốc tế hiện nay. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không thể dựa vào
bất kỳ liên minh nào, hiệp ước nào, càng không thể trông chờ vào nước ngoài mà
phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, thực lực của đất nước, con người Việt Nam.
Do đó, chúng ta không lựa chọn và cũng không chủ trương tham gia liên minh quân
sự hoặc dùng liên minh quân sự để bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc không xuất phát từ tham gia liên
minh quân sự mà là sức mạnh nội lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại,
sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Việt Nam xây dựng nền
quốc phòng dựa trên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống
chính trị, lấy sức mạnh nội lực của dân tộc là chính, coi trọng xây dựng nhân
tố chính trị, tinh thần, sự đoàn kết thống nhất, cả nước đồng lòng, toàn dân
một ý chí. Phát huy sức mạnh chính nghĩa thống nhất với bản chất tốt đẹp của
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và lòng nhân ái, khoan
dung của người Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Lịch sử dựng
nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một minh chứng điển hình cho việc phát
huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong đấu tranh giải phóng dân
tộc và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn ấy còn khẳng định một chân lý: Khi nào kiên
định nguyên tắc độc lập, tự chủ, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, “cả
nước chung sức”, “trên dưới đồng lòng”, “anh em hòa mục” thì chủ quyền đất nước
được giữ vững và ngược lại. Quán triệt và vận dụng đúng phương châm “dĩ
bất biến ứng vạn biến”, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, kiên
định về nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược; đan xen lợi ích và duy
trì quan hệ cân bằng với các nước lớn; không để đất nước rơi vào thế bị bao
vây, cô lập, lệ thuộc; thực hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy, là
thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây không những là bài học
kinh nghiệm quý báu, mà còn là yếu tố căn bản, cội nguồn sức mạnh để bảo vệ độc
lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững
đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét