Bệnh tham nhũng trong cán
bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật
ngữ chung nhất là tham ô. Người chỉ rõ bản chất của
tham ô là hành vi “lấy của công làm của tư. Là gian lận, tham lam”,
“tham ô là trộm cướp”. “Của công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân
dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất
nước. Bất cứ hành vi nào lấy “của công” làm “của tư” cũng đều là hành vi tham
ô... Trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã chỉ ra 6 “lầm
lỗi rất nặng nề” của cán bộ cần phải ra sức sửa chữa đó là: Trái phép, cậy
thế, hủ hóa, tư túng, kiêu ngạo. Trong đó, Người đặc biệt cảnh báo và lên án
hành vi “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”.
Thực tiễn cho thấy, Cách
mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam có vinh dự lớn lao trở
thành Đảng cầm quyền. Thắng lợi của cuộc cách mạng đó là biểu tượng của trí
tuệ, bản lĩnh, sức sáng tạo phi thường và “tư cách của một Đảng cách mệnh chân
chính”. Tuy nhiên, nước nhà giành được độc lập chưa lâu, chính quyền cách mạng
non trẻ lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức to lớn của giặc đói,
giặc dốt và giặc ngoại xâm; tình cảnh đất nước hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi
tóc”. Bên cạnh tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền dân
chủ, nhân dân, Đảng ta lại phải đối phó với giặc nội xâm còn nguy hại hơn đó là
chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ
lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, “miễn
là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Người khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là
bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con nguy hiểm; một thứ vi trùng rất độc, do nó
mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm khác. Trong số những căn bệnh do chủ
nghĩa cá nhân gây ra, tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm nhất, là “hành
động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”. Phải lập tức đề nghị một đạo
luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ
khác)”. Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Đảng và Chính phủ lại dám
thẳng thắn phê phán gay gắt như thế đối với những khuyết điểm, sai lầm của cán
bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng, đây là những lỗi lầm đặc biệt
nghiêm trọng, có hại cho dân, cho nước cần phải ra sức kiên trì sửa chữa. Đặc
biệt, sự phê phán không chỉ bằng văn thư hành chính nội bộ mà còn công khai lên
báo chí công luận, như để tự phê bình, tự kiểm điểm trước nhân dân. Việc chỉ ra
đích danh tham ô là hành vi “trộm cướp”, “là mật thám, phản quốc” đủ
để quần chúng thấy rõ quan điểm, thái độ của Đảng ta không chấp nhận sự tồn tại
của những hành vi ấy trong đời sống chính trị của Đảng và toàn dân. Đồng thời,
là sự khởi đầu cho việc hình thành một lối sống văn hóa trong Đảng, một
tập quán chính trị tiến bộ và là tiêu chí quan trọng của một đảng “là đạo đức,
là văn minh” - đã là cán bộ, đảng viên phải trong sạch, phải nói không với tham
nhũng.
Hồ Chí Minh không chỉ dũng
cảm nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ thực trạng tham nhũng bằng thái độ kiên
quyết không “giấu giếm khuyết điểm” mà quan trọng hơn Người đặt niềm tin tuyệt
đối vào thắng lợi tất yếu trong cuộc đấu tranh đó. Đó là niềm tin cách mạng và
khoa học chứ không phải là “ý niệm tuyệt đối” trong giáo lý tôn giáo; thể hiện
ý chí quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, chỉ ra con đường và biện pháp
diệt trừ tham nhũng. Bởi vì, đó là danh dự, lương tâm của những người cộng sản,
nếu không làm được như vậy thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân
dân. Tuy nhiên, cũng cần bàn thêm ở đây, để đấu tranh diệt trừ tham nhũng mà
không gây ra hoang mang cho những cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm
và thức tỉnh cán bộ đảng viên “cải tà quy chính”, theo Hồ Chí Minh phải hết sức
thận trọng, bình tĩnh, tỉnh táo và mưu lược. Nghĩa là, phải có chiến lược phòng
chống tham nhũng cụ thể, xác định rõ quyết tâm, kiện toàn tổ chức, bố trí lực
lượng, định ra phương pháp, phương tiện đấu tranh, tuyệt nhiên không phải là
hành động tự phát, nhất thời. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ắt phải có chuẩn bị, kế
hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”. Trên cơ sở nhận diện
đúng nguyên nhân nảy sinh tham nhũng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra đúng “phác đồ điều
trị” để phòng, chống tham nhũng.
Hiện nay, trong mỗi nhiệm kỳ Đại
hội Đảng, Hội nghị Trung ương lần thứ tư thường diễn ra vào quý IV năm đầu của
nhiệm kỳ. Hội nghị Trung ương lần thứ tư các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII của
Đảng đều có nội dung bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó cho thấy,
Đảng ta đặc biệt quan tâm tới sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới. Hội
nghị Trung ương lần thứ tư khóa XIII là sự kế thừa, phát triển các nghị quyết hội
nghị Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong 35 năm đổi mới, đặc biệt là Hội
nghị Trung ương lần thứ tư khóa XI và XII.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa
XIII nêu rõ thành tựu của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của
Đảng. Đó là “từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng
suốt, và nhờ thế đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những
kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước vượt
qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế
như ngày nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống
anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta -Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại
sáng lập và rèn luyện, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Đồng thời, Nghị quyết cũng vạch
ra những tiêu cực, hư hỏng của cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, nhấn mạnh nhất là sự “phai nhạt lý tưởng
cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu
niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến
đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ
họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết
lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực
hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng”.
Trung ương nhấn mạnh nguyên
nhân chủ quan là chủ yếu, “bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán
bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng;
sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước
dân”. Vì vậy, Trung ương nhấn mạnh phải “kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ
nghĩa cá nhân trong toàn Đảng”.
Nghị quyết Trung ương chỉ ra đối
với cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện ở chỗ sống ích kỷ, thực dụng,
cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ,
mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân.
Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường,
có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thể lực xấu, thù địch, cơ hội, phản
bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XII
đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh
thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp
chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm
vụ; và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý
nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó phải chú trọng nêu gương những người tốt, việc
tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái”.
Hy vọng và tin tưởng rằng, nếu nhận thức
và hành động đúng thì khía cạnh nhỏ sẽ đem lại kết quả lớn trong việc quét sạch
chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, góp phần vào công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của
Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét