Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

HOÀN THIỆN CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI DÂN TỐ GIÁC TỘI PHẠM THAM NHŨNG


Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực.

Trong kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới ban hành, Bộ Chính trị đánh giá 5 năm qua, thể chế từng bước hoàn thiện. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Tuy nhiên, chính sách trong nhiều lĩnh vực còn sơ hở, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng có nhiều hạn chế; lãng phí trong cơ quan nhà nước và xã hội “còn rất nghiêm trọng”. Cùng với đó, cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời; vẫn còn những vụ, việc tham nhũng “nghiêm trọng, có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận”.

Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Các cấp ủy cần xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân. Cán bộ phải thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; lên án, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng; cán bộ gương mẫu hơn nhân viên; cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt...

Các cấp ủy, tổ chức Đảng khắc phục sơ hở trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán; sửa đổi, bổ sung các Luật Đất đai; Phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, Bộ Chính trị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có; xử lý các trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Theo kết luận, cơ quan chức năng sẽ từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét