Trước
hết, chúng ta cần khẳng định rằng, kỷ luật của Đảng ta là tự giác, nghiêm minh
và đặc trưng của pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) là mọi công dân đều bình đẳng
trước pháp luật. Việc xử lý những cán bộ vi phạm như trên không có gì là bất
thường, đột biến từ trước tới nay nếu xét về nguyên tắc kỷ luật của Đảng, pháp
luật của Nhà nước. Đã từ lâu, trong xã hội ta, có công thì thưởng, có tội thì
phạt. Và khi mà công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh thì những
nguyên tắc ấy càng được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
cũng từng căn dặn: “... một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng
hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì
đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi
cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân
chính”. Soi rọi thực tiễn vào những lời căn dặn của Người, chúng ta càng thêm
tin tưởng những việc làm gần đây của Đảng, Nhà nước ta chính là theo tinh thần
một Đảng “có gan thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm”.
Nhìn lại những vụ việc
xử lý cán bộ, công chức vi phạm gần đây, tuy số vụ việc bị xử lý có gia tăng,
tính chất mức độ một số vụ vi phạm có nghiêm trọng hơn, cán bộ bị xử lý có
những trường hợp ở cương vị lãnh đạo, chỉ huy cao cấp... nhưng bên cạnh sự đau
xót, nuối tiếc, dư luận đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và cả bạn bè quốc
tế đều rất đồng tình, tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta.
Tinh thần quyết liệt
xử lý cán bộ vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kể cả cán bộ đó là
Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị hay tướng lĩnh cao cấp cho thấy Đảng
ta đã và đang bước vào một thời kỳ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mạnh mẽ, nghiêm túc
và toàn diện nhất trước đòi hỏi ngày càng nặng nề của nhiệm vụ xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Điều đó bắt nguồn từ ý chí của Đảng, bắt nguồn từ lòng dân và cũng
bắt nguồn từ mệnh lệnh của cuộc sống, đòi hỏi của sự phát triển và hội nhập.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo,
nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của
mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong
nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để
cứu muôn người”. Với niềm tin cách mạng, nhìn vào công cuộc phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực hiện nay, chúng ta thắp lên sự hy vọng và đồng thuận để đấu tranh,
đẩy lùi những thói hư tật xấu, giúp Đảng ta ngày càng vững mạnh, Nhà nước ta
ngày càng trong sạch, để đất nước ngày càng tiến bộ và phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét