Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

NGUY HIỂM NHỮNG CHIÊU TRÒ KÍCH ĐỘNG GIỚI TRẺ CHỐNG PHÁ CHÍNH QUYỀN

 

Lợi dụng mạng xã hội, các đối tượng chống phá sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tiêm nhiễm tư tưởng xấu độc vào một bộ phận người dân, trong đó đặc biệt là giới trẻ.

TỰ XƯNG "DIỄN VIÊN HÀI", VLOGGER TIÊM NHIỄM TƯ TƯỞNG XẤU ĐỘC CHO GIỚI TRẺ

Từ giữa tháng 4 năm 2021 đến nay, lợi dụng tình hình phức tạp và khó lường của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, các đối tượng phản động đã tăng cường hoạt động chống phá công tác chống dịch, bôi nhọ Đảng và Nhà nước trên không gian mạng. Lợi dụng các nền tảng xã hội với tính lan tỏa cao, các đối tượng này sử dụng những phương thức và thủ đoạn tinh vi để tiêm nhiễm tư tưởng phản động vào một bộ phận người dân, trong đó đặc biệt là giới trẻ, những người dễ tiếp cận cái mới, nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm và nhận thức các vấn đề chính trị - xã hội.

Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ. Theo Tổng cục thống kê, số người trong độ tuổi thanh niên (từ 16-30 tuổi) chiếm tới 23,8% dân số cả nước. Đại đa số thanh niên có lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhận thức chính trị tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên xa rời đạo đức, lý tưởng cách mạng, có lối sống thực dụng, dễ bị tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, dễ bị lôi kéo và kích động trước những thông tin, quan điểm sai trái. Lợi dụng điều này, các đối tượng phản động đã dùng rất nhiều những thủ đoạn mới để kích động giới trẻ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh nhằm làm suy yếu lòng tin của giới trẻ vào chính quyền, chống lại các biện pháp phòng dịch, hướng tới mục tiêu chống phá chính quyền.

Với cách kể chuyện mang tính bỡn cợt, sử dụng nhiều dẫn chứng bằng hình ảnh, chèn nhiều âm thanh nhằm lôi cuốn khán giả, một đối tượng tự xưng là một standup comedian – diễn viên hài độc thoại để đăng tải những video, clip lên mạng xã hội. Sự gây cười tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng lại rất hữu dụng để phát tán nhưng tư tưởng xấu độc bởi đó là những câu chuyện mang nội dung xuyên tạc, lộ rõ sắc thái mỉa mai về tình hình chống dịch tại Việt Nam.

Thiếu tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhấn mạnh, chiêu trò này nguy hiểm ở chỗ là các thông tin bài viết sau khi được đăng tải kích thích vào tính tò mò giới trẻ, qua đó nhận được hàng ngàn lượt bình luận, lượt like, lượt chia sẻ, từ đó mà lồng ghép vào những thông tin tiêu cực bịa đặt kích động giới trẻ.

Khi một thông tin được đăng tải, các thuật toán trên môi trường mạng cho phép những thông tin này phát tán dễ dàng, ví dụ chỉ cần 1 người dùng thích màn hài độc thoại, chưa cần chia sẻ rất nhiều người bạn của người đó đã có thể xem được và cứ như vậy lan rộng người xem. Mạng xã hội không biên giới đang thực sự nguy hiểm với rất nhiều cạm bẫy mà các đối tượng phản động bày ra nhằm biến những người sử dụng mạng xã hội trở thành công cụ đắc lực phán tán tin xấu, độc.

Lợi dụng việc giới trẻ luôn có xu thế hướng ngoại, tiếp cận nhanh với các trào lưu tự do, đề cao chủ nghĩa cá nhân, các đối tượng phản động sử dụng các chiêu thức ngày càng tinh vi nhằm lôi kéo giới trẻ chạy theo lối sống vị kỷ, bỏ qua ý thức trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Ví dụ như trong các bài đăng bên dưới, lợi dụng những khó khăn nhất thời tại một số khu cách ly, đối tượng này đã kích động sự bức xúc trong dư luận, thổi phồng việc chính quyền chậm trễ, yếu kém trong điều hành, phủ nhận những nỗ lực của cả xã hội trong khống chế dịch bệnh.

Không quá khó để nhận ra sự tiếp tay rất chặt chẽ của các thế lực phản động bên ngoài với những đối tượng phản động chống phá trong nước, những trang tin này đã có rất nhiều bài viết cổ xúy cho các vlogger thường xuyên phát tán các thông tin xấu độc về Việt Nam mà các trang này lại cho là "những người tiên phong", những người mà họ luôn theo sát hoạt động giống như với các đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam mà vẫn được họ gắn mác là các "nhà đấu tranh vì dân chủ nhân quyền".

Với âm mưu thực hiện "diễn biến hòa bình", kêu gọi tham gia vào cái gọi là "xã hội dân sự" nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, giới trẻ được các thế lực thù địch xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu để thay đổi, chuyển hóa, tác động, lôi kéo trở thành lực lượng "nòng cốt", "xung kích" cho các hoạt động mít tinh, biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, lật đổ chính quyền.

BIỂU TÌNH ONLINE - CHIÊU THỨC CHỐNG PHÁ NGUY HIỂM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Người xưa có câu "Lộng giả thành chân, biến giả thành thật". Khi mà điều giả dối được lặp lại nhiều lần, truyền tai nhau thì số đông lại coi như đó là một sự thật. Mạng xã hội đã trở thành môi trường lý tưởng để những kẻ phản động lưu vong, những phần tử chống đối sử dụng để đổi trắng thay đen. Chúng dùng tin giả, thổi phồng những tin tức tiêu cực để tạo ra sự bất mãn, rồi từ sự bất mãn kêu gọi những người trẻ dễ bị kích động tham gia các cuộc biểu tình trên không gian mạng. Những cuộc biểu tình online, một chiêu thức chống phá vô cùng nguy hiểm trên môi trường mạng không phải chỉ bây giờ mới có, mà đã xảy ra nhiều lần trong năm qua.

Cái gọi là biểu tình trên không gian mạng là hình thức kêu gọi thay đổi biểu tượng trên trang mạng cá nhân, đặt hashtag, đồng loạt nhấn like hay ký tên qua mạng để ủng hộ một nội dung chống đối được soạn sẵn, làm sao để tất cả tài khoản của người dùng mạng xã hội như đang khoác "áo đồng phục" để cùng tham gia một phong trào. Chiêu bài này được các tổ chức phản động liên tục sử dụng trong thời gian bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua cũng như thời gian dịch bệnh gần đây.

Phương thức trực tuyến này đã lôi kéo hàng trăm lượt người tham gia hội luận theo các chủ đề được đưa ra. Người dùng thoải mái bình luận, bày tỏ quan điểm cá nhân của mình nhưng thiếu đi sự kiểm chứng thông tin. Một số người còn tiếp sức trực tuyến cho các cuộc biểu tình bằng cách gắn thẻ bạn bè của họ vào những bài đăng ủng hộ. Phần lớn trong số này là những tài khoản ảo, được lập ra để có thể ẩn danh dễ dàng trên không gian mạng, khó có thể truy cứu trách nhiệm.

Bên cạnh việc kích động giới trẻ tham gia cái gọi là biểu tình online, điều đặc biệt nguy hiểm còn ở chỗ, thông qua ghi danh, kí tên, thay đổi biểu tượng, các thế lực thù địch sẽ thu thập thông tin cá nhân sau đó tiếp tục mua chuộc, kích động, biến người trẻ trở thành công cụ để thực hiện mưu đồ bất chính. Mục tiêu lâu dài là tập hợp lực lượng để tổ chức các phong trào làm suy yếu, lật đổ chính quyền trong tương lai.

Việt Nam có tỉ tỷ lệ sử dụng Internet rất cao, chiếm gần 70% dân số với khoảng trên 68 triệu dân. Trong số này, tỷ lệ người trẻ từ 15-34 tuổi đang sử dụng mạng xã hội chiếm tới 71%. Các thế lực phản động đã lợi dụng điều này để tập trung lôi kéo người trẻ vào những cái bẫy nguy hiểm đã giăng sẵn của chúng. Do vậy, việc nâng cao nhận thức cho lực lượng thanh niên là hết sức quan trọng, giúp người trẻ "đề kháng" tốt trước những âm mưu của các thế lực thù địch trên môi trường mạng.

Các thế lực thù địch đang coi mạng xã hội là "mặt trận" chống phá chính hiện nay, đặc biệt là về tư tưởng, nhận thức với các chiêu thức ngày càng tinh vi và thủ đoạn ngày càng xảo quyệt. Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, đồng thời cũng là đối tượng mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Do đó, mỗi người trẻ cần tỉnh táo, cần tự biết cách bảo vệ mình trước những thông tin sai trái, bịa đặt, độc hại, không để mình bị kẻ xấu lôi kéo, dẫn dắt, trở thành công cụ chống phá chính quyền.

Mạng xã hội không xấu, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải tự xây dựng được cho mình bản lĩnh tiếp nhận thông tin và vững vàng khi tham gia vào không gian ảo vốn nhiều lợi ích nhưng không ít cạm bẫy này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét