Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN QUYẾT TÂM, NỖ LỰC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG CỦA VIỆT NAM

 

Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở Việt Nam đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn” và đã đạt được những kết quả rõ rệt; được người dân đồng tình, ủng hộ; các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mặc dù vậy, kết quả đấu tranh chống tham nhũng cũng là chủ đề mà các tổ chức, cá nhân và đài báo nước ngoài thiếu thiện chí lợi dụng để công kích, xuyên tạc.

Điển hình, ngày 19/10/2021, RFA Tiếng Việt đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Có ai còn tin câu chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm?” đưa ra những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Mặc dù tỏ vẻ khách quan khi phân tích một số vụ việc được cho là có “tham nhũng”, “tiêu cực” trong thời gian vừa qua cùng với việc dẫn lời một cá nhân nhưng những luận điệu mà bài viết đưa ra tựu trung vẫn là nhìn nhận thiếu khách quan, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Bài viết xuyên tạc: “Không chỉ Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói chống tham nhũng không có vùng cấm, mà nhiều cơ quan, nhiều lãnh đạo cao cấp của nhà nước Việt Nam đều nói câu đó. Đó là lời nói thôi, chứ thực tế thì rất khó để minh chứng cho nhận định như thế”; Hoặc “Nói chống tham nhũng, nhưng ai đã đẻ ra tham nhũng? Người lãnh đạo nào để cho tham nhũng tràn lan trong giai đoạn thời kỳ của mấy ông ấy, tức là ông Trọng và Bộ Chính trị lãnh đạo... Thế mà họ vẫn chọn những người tham nhũng, hay vẫn chọn những người có khả năng tham nhũng. Bây giờ những người đã được chọn ấy lại không vừa ý họ, không vừa mắt họ, và bản thân họ cũng không làm gì để ngăn ngừa được tính tham của lũ cán bộ đấy. Cho nên bây giờ chộp được đứa nào thì xử đứa đấy, để cho có vẻ là nghiêm minh thế thôi”…

Thực tế cho thấy, công tác đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua đặc biệt là từ sau Đại hội XII đã được tiến hành với quyết tâm chính trị cao, thể hiện rõ tinh thần kiên quyết, song không nóng vội, chủ quan mà là kiên trì, liên tục với những bước đi đúng lộ trình, vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Trong cuộc đấu tranh đó, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp để vừa chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng vừa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng và cả các hành vi bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng theo phương châm không có ngoại lệ, không có vùng cấm… được phối hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ là không thể phủ nhận.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật trên 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đặc biệt, những con số “biết nói” trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng những năm 2016-2021, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2021 được nêu ra tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã cho thấy rõ quyết tâm của Đảng về đẩy mạnh chống tham nhũng và hiệu quả từ những kết quả đạt được.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 1.850 vụ án mới bị khởi tố liên quan đến tham nhũng. Cùng với đó, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 70 tổ chức đảng và hơn 8.000 đảng viên; trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Các cơ quan chức năng đã xét xử kịp thời bốn vụ án tham nhũng trọng điểm: vụ tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ, Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan…

Bằng thực tiễn được chỉ ra trên đây cho thấy, luận điệu cho rằng hiệu quả chống tham nhũng ở Việt Nam “không hiệu quả” là khiên cưỡng, một chiều và chủ quan. Hay những nhận định cho tham nhũng là “bản chất của chế độ”, “quyết tâm phòng chống tham nhũng là thanh trừng nội bộ, đánh bóng tên tuổi”, là những luận điệu bẻ cong sự thật, bôi đen mục đích, nội dung, kết quả và ý nghĩa cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét