Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

 

 

          Vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia nói chung, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo nói riêng là chủ đề được các thế lực thù địch đặc biệt yêu thích. Tất cả mọi sự kiện xảy ra trên vùng Biển Đông “nhạy cảm” đều là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Để làm thất bại âm mưu này cần có những nhận thức đúng đắn.

          Quan điểm của Việt Nam về giải quyết vấn đề Biển Đông là rõ ràng, nhất quán. Ở tầm vĩ mô, Ðảng ta khẳng định đường lối: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Củng cố đường biên giới hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng” (Báo cáo chính trị, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII).

          Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trước những thách thức của thời cuộc, chúng ta luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo, phù hợp tư tưởng ấy của Bác; lấy việc giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, bảo vệ, giữ vững chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Những năm qua, trên phạm vi quốc tế, bằng chủ trương giải quyết các vấn đề liên quan chủ quyền ở Biển Ðông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả thoả thuận quan trọng với các nước trong khu vực để và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực tiễn đã chứng minh, trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên có các hành động xâm phạm quyền, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương giải quyết thông qua thương lượng hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.

          Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, những nhân tố bất ổn khó lường vẫn rình rập ở Biển Đông, lúc tiềm ẩn, lúc bùng phát. Chúng ta nỗ lực xây dựng hòa bình trong cục diện quan hệ quốc tế mới với những mối quan hệ đan xen phức tạp. Chúng ta kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích và không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm và tránh không để xảy ra xung đột, đụng độ. Việt Nam cùng với các nước trong khu vực kiên trì chủ trương giữ vững quan hệ hoà bình, hợp tác và ổn định để cùng phát triển nhưng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình. Mối quan hệ phức tạp, đan xen chi phối lẫn nhau, sự cân bằng quyền lực mong manh giữa các thế lực có liên quan rất dễ bị phá vỡ trong bối cảnh địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế mới trong vùng Biển Đông. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những chiến lược đúng đắn và thông minh trên nền tảng công pháp quốc tế. Chúng ta đang đẩy mạnh hơn nữa chiến lược ngoại giao bằng cách tăng cường quan hệ nhiều mặt với bên ngoài, đặc biệt là các nước vùng Thái Bình Dương và Biển Đông theo hướng đa phương hóa, tạo ra thế và lực cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển. Chúng ta không bác bỏ giải quyết tranh chấp trên biển bằng con đường đàm phán song phương, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ trương giải quyết đa phương đối với các tranh chấp có liên quan đến nhiều bên, hoan nghênh sự quan tâm và tham gia của các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế với động cơ góp phần ngăn chặn xung đột vũ trang, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình đàm phán giải quyết hòa bình các tranh chấp trong Biển Đông.

          Chúng ta vẫn không một phút giây lơi lỏng bảo vệ chủ quyền cùng với việc thực hiện một chính sách ngoại giao hướng đến hòa bình và ổn định và chúng ta vẫn tôn vinh, tưởng niệm những tấm gương Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hằng năm, chúng ta vẫn ghi nhớ sự kiện Gạc Ma bi tráng. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma gồm một quần thể các công trình quảng trường, tượng đài, khu trưng bày ngầm, mộ gió, con đường hoài niệm được hoàn thành xây dựng từ tháng 7-2017 ở phía đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã trở thành “địa chỉ đỏ” để nhân dân, chiến sĩ đến tưởng niệm và giáo dục chủ quyền biển, đảo cho thế hệ trẻ. Tình cảm của nhân dân, chiến sĩ cả nước càng làm thêm ấm lòng và chắc tay súng của các chiến sĩ trên những vùng biển đảo của Tổ quốc. Sự vững chắc của những tiền đồn xa xôi cũng làm tăng thêm quyết tâm và tin tưởng của nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh kiên trì cho sự vững mạnh của chủ quyền quốc gia dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét