“Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trước những bức xúc, nhu
cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân là một trong các biểu hiện suy thoái
về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; “căn bệnh” nguy hại tác động sâu
sắc đến niềm tin của Nhân dân với Đảng và sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Vì
thế, cần sớm phát hiện, điều trị triệt để “căn bệnh” này để xây dựng Đảng ta
thật sự trong sạch, vững mạnh.
Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Nhìn chung đội ngũ cán bộ,
đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống;
gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”1.
Tuy nhiên, “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ,
đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống… chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa
phương và nhân dân”2. Trong đó, vẫn còn tình trạng thờ ơ, vô cảm, chưa nêu cao
ý thức, trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân.
“Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” của một số cán bộ, đảng viên thực sự là một
“căn bệnh” rất nguy hại, có biểu hiện đa dạng trên các lĩnh vực đời sống xã
hội, như: suy nghĩ hẹp hòi, thái độ dửng dưng, làm ngơ, không quan tâm đến
những sự kiện, sự việc diễn ra của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng
như trước khó khăn, bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; sống
ích kỷ, vun vén cá nhân, kèn cựa, đố kỵ, có những hành vi trái đạo đức, lương
tâm của con người; tranh công, đổ lỗi, không trung thực, không hoàn thành nhiệm
vụ được giao, làm việc thì “được chăng hay chớ”, “dân có cần, nhưng quan không
vội”, “khó người dễ ta”, hoặc rơi vào tham nhũng, lãng phí, tư duy nhiệm kỳ.
Đáng chú ý là, những ngày qua, trước sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước,
Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự chung tay góp sức của cả cộng
đồng, với nhiều tấm gương sáng mang đậm “nghĩa đồng bào”, cùng nhau quyết tâm
cao nhất sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch Covid-19, thì một số cán bộ, đảng
viên có chức, có quyền vẫn đi du lịch, chơi Golf,… vi phạm nghiêm trọng quy
định của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, gây hậu quả nghiêm trọng.
Mối nguy hại của căn bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm”
trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất lớn, nhất là khi nó “chui” vào chính trị
để hình thành sự “vô cảm về chính trị”. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên là cầu nối
quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là người truyền đạt và tổ chức cho
nhân dân thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước; đồng thời, nắm bắt và phản hồi thông tin từ Nhân dân để Đảng, Nhà nước có
căn cứ hoạch định, điều chỉnh, bổ sung và đưa ra những quyết sách bảo đảm cho
đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi cán
bộ, đảng viên thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc,
đòi hỏi chính đáng của nhân dân thì vô hình trung đã tự chặt đứt sợi dây gắn bó
máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và giữa Đảng với Nhân dân.
“Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” còn là căn nguyên gây mất
đoàn kết, mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương
dẫn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp, gây hại cho Đảng, Nhà nước và Nhân
dân. Chính thái độ này dẫn đến thói ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, kèn cựa địa vị,
quan liêu, bao biện, phô trương, lãng phí, tự tư, tự lợi, tham ô, hủ hóa, không
quan tâm đến công việc được giao; thậm chí bỏ mặc, né tránh khi được giao nhiệm
vụ mới, khó khăn; hoang mang dao động trước những khó khăn, thách thức tác động
đến cơ quan, đơn vị, địa phương mình, v.v. Nhưng khi có thành tích lại cố vơ về
mình, không tận tâm, tận lực, đồng lòng, đồng sức, thống nhất để tìm ra giải pháp
hữu hiệu đưa cơ quan, đơn vị, địa phương mình vượt qua thách thức, khó khăn,
hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều này gây nguy hại rất lớn đến xây dựng sự đoàn
kết, thống nhất trong các tổ chức, nếu để kéo dài, không khắc phục kịp thời sẽ
làm chuyển hóa từ bên trong nội bộ từng tổ chức.
“Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” làm suy giảm năng lực
lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả điều hành của các cơ quan Nhà nước
và các tổ chức chính trị - xã hội. Năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý
của Nhà nước và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội phụ thuộc trước hết
vào phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nếu đội ngũ cán bộ, đảng
viên của Đảng mà có thái độ “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” - thái độ: “Sao
cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình”3, thì
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước không đi vào quần
chúng. Như thế sẽ làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng và
hiệu quả quản lý của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đây còn là căn bệnh “quái ác” làm giảm niềm tin của Nhân dân
đối với Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trước mặt quần chúng,
không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng
chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”4. Vì vậy, nếu cán bộ, đảng viên mà
có thái độ “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm”, nghĩa là không giữ được đạo đức
cách mạng, mà đã không còn tư cách đạo đức cách mạng thì nhân dân sẽ không tin
tưởng vào cán bộ, đảng viên, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước sẽ
suy giảm. Mặt khác, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, chia sẻ ngọt bùi, sẵn sàng
giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn với tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí
cùng”, “thương người như thể thương thân”,... là truyền thống văn hóa rất tốt
đẹp của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng
một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày
thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng
hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”5. Do đó, nếu cán bộ,
đảng viên mà có thái độ “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” với nhân dân sẽ ảnh
hưởng nghiêm trọng đến truyền thống tốt đẹp của dân tộc và Đảng ta.
Có thể nói, “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” là căn bệnh
còn tồn tại khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay và rất
nguy hại, giống như sâu mọt đục khoét làm cho “cây mất gốc”, sớm muộn gì cũng
sẽ đổ. Nguyên nhân sâu xa của “căn bệnh” này là do cán bộ, đảng viên không quan
tâm đến chính trị, lười học lý luận chính trị, nhất là nghị quyết của Đảng, có
lối sống thực dụng, xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, thờ ơ với thời cuộc và
các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đơn vị, địa
phương, chỉ chăm lo thu vén cá nhân; ngại va chạm, giữ tâm thế trung dung với
tư tưởng “dĩ hòa vi quý”; không tích cực tham gia đấu tranh với những vi phạm,
biểu hiện xấu, nhận thức, hành vi lệch lạc ở xung quanh để xây dựng đơn vị, địa
phương đoàn kết, vững mạnh, phát triển.
Chính vì vậy, chữa trị triệt để “căn bệnh” này là vấn đề cấp
bách, đòi hỏi kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trước hết, cấp ủy đảng, chính
quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải tăng cường giáo dục, nâng cao
nhận thức, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là
tư tưởng: “lấy dân làm gốc”, tinh thần trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân,
học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, chia sẻ với dân, giúp đỡ dân,…
làm “điểm mấu chốt” để khắc phục bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trong
đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày
18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trên thực
tế; đồng thời, quán triệt, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trên cơ sở đó, làm cho mỗi cán
bộ, đảng viên có sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động trong thực tiễn quá trình
thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao; trong đời sống sinh hoạt hàng ngày,
biết đau với nỗi đau của nhân dân, luôn trăn trở, sáng tạo, tìm ra những giải
pháp hữu hiệu để đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hiện nay, mỗi cán bộ, đảng
viên phải thấu triệt, thực hiện tốt phương châm: tất cả vì sức khỏe, an toàn và
hạnh phúc của nhân dân; không được để một người dân nào phải chịu đói, khát,
không chỗ ở.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị,
địa phương cần tăng cường rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên về phẩm chất,
năng lực, đạo đức cách mạng. Đổi mới và nâng cao chất lượng nhận xét, đánh giá,
phân loại cán bộ, đảng viên một cách công khai, minh bạch; kiên quyết sàng lọc,
đưa những cán bộ, đảng viên không còn đủ tư cách, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách
nhiệm trước công việc ra khỏi Đảng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị -
xã hội, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Nếu cảm thấy mình
không đủ năng lực, trách nhiệm thì dẹp sang một bên để người khác làm”. Đối với
mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, bồi đắp và nâng cao ý chí để
làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, làm tấm gương sáng để quần chúng học
tập, làm theo. Thực tế cho thấy, ở bất cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào mà
cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối
sống, có năng lực công tác và hết lòng vì dân thì được nhân dân tôn trọng, yêu
mến, nể phục, tin tưởng và noi theo.
Để có cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị và toàn dân, điều trị tận gốc “căn bệnh” nguy hiểm này, cơ quan chức năng
của Đảng, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, quy chế trên các
mặt công tác để nhân dân tham gia giám sát, đóng góp xây dựng đội ngũ cán bộ,
xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tiếp dân, đối thoại với dân, tiếp thu
những đóng góp chân thành, quý báu của nhân dân, giải quyết dứt điểm những kiến
nghị chính đáng của nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa gương
người tốt, việc tốt, những việc tử tế trong nhân dân và toàn xã hội. Qua đó, để
quy chiếu, tạo “hệ miễn dịch” với thái độ “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm”
trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên
“vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững
mạnh, xứng đáng vai trò, sứ mệnh cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét