Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Chủ đề: Sự thâm độc trong luận điệu xuyên tạc của BBC liên quan dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông

 

Mới đây khi trang điện tử của BBC đăng bài viết nói về đường sắt Cát Linh-Hà Đông với những luận điệu hết sức sai lệch thi chúng ta cần phải lên tiếng. Bởi nếu người đọc bài đó không nắm rõ bản chất sự việc và quá trình thông tin diễn biến sự việc thì sẽ dễ tin theo luận điệu xuyên tạc thâm độc của nó.

Thứ nhất, bài viết mở đầu với việc dẫn nhận định của các “khách mời từ Hà Nội” trong hội luận chuyên đề của BBC News Tiếng Việt (04/11/2021): Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đã kéo dài quá lâu với nhiều lần lỡ hẹn khiến cho nhiều người dân rất chán và không còn háo hức chào đón!.

Hội luận chuyên đề này gồm những “học giả” có tiếng thiếu thiện chí và sẵn có cái nhìn phiến diện với Việt Nam thì ai cũng đoán biết được hội họ sẽ luận cái gì. Về thực tế người dân có hào hứng, háo hức chờ đón sự vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh-Đông hay không thì báo chí, truyền thông, mạng xã hội và bao người chứng kiến thực tế thì quá rõ, những ngày đầu khai trương và tổ chức vận hành miễn phí đã đem lại cho người dân những trải nghiệm mới mẻ, tin tưởng và thỏa mãn sự chờ đợi. Phương thức vận hành an toàn với nhiều tiện ích hiện đại đẹp mắt như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; tin tức, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh…

Thứ hai, bài viết nêu ra “bài học về tuyên truyền”, nghe rất có vẻ “tổng kết thực tiễn” cho rằng Việt Nam đã tuyên truyền dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông là do Trung Quốc giúp mà quên bản chất là dự án thương mại. Nhưng sự thật hoàn toàn không như bài viết phản ánh. Công tác tuyên truyền, báo chí, truyền thông đã đưa tin suốt quá trình triển khai dự án tuyến đường sắt này với thông tin đầy đủ để khẳng định đây là dự án hợp tác thương mại, với thông tin rất rõ ràng về các đối tác, vốn, sự chậm trễ, giải pháp giải quyết vấn đề chậm trễ và làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Nhiều bài báo của truyền thông Việt Nam đưa thông tin, từ khi khởi công vào năm 2011 đến nay, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc khiến thời gian triển khai kéo dài, chậm 6 năm so với mốc tiến độ hoàn thành dự kiến ban đầu. Đường sắt theo dự án này dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, 8 lần phải điều chỉnh tiến độ. Ngay những ngày này khi đường sắt Cát Linh-Hà Đông chính thức vận hành thì nhiều bài báo của Việt Nam đăng bài nhấn mạnh về sự chậm trễ “Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chính thức vận hành sau 1 thập kỷ xây dựng”…

Thứ ba, luận điệu bài viết trên BBC còn xuyên tạc cả vai trò giám sát tối cao của Quốc hội Việt Nam. Để thấy rõ sự gian dối trong luận điệu này của BBC hãy đọc một ví dụ bài viết trên trang web quochoi.vn “Góc nhìn đại biểu: cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị chậm tiến độ đường sắt đô thị” (đăng ngày 31/07/2020) thì rõ sự thực. Bài báo chỉ rõ: Kể cả thời gian công thì công trình nay đã kéo dài tới gần một thập kỷ và liên tục thử thách lòng kiên nhẫn của người dân thủ đô cũng như cả nước – Trải qua 4 đời Bộ trưởng, với 8 lần chậm tiến độ tới thời điểm bấy giờ tháng 7/2020 vẫn chưa được đưa vào khai thác, vận hành thương mại.

Đại biểu Quốc hội và các cơ quan chuyên trách, báo chí, truyền thông và nhiều cử tri đã nêu chất vấn trách nhiệm các thời điểm lùi tiến độ và lý do không thể đạt tiến độ, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong triển khai dự án đội vốn gấp nhiều lần đã trở thành một bài học đắt giá và suy giảm niềm tin của nhân dân. Tại một số diễn đàn Quốc hội kỳ họp trong năm 2020, ông Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) và nhiều đại biểu khác đặt câu hỏi: Hiện nay các dự án của ngành giao thông vận tải có nhiều tồn tại, trong đó vấn đề chậm tiến độ, vấn đề đội vốn rồi vấn đề chất lượng kém. Tôi muốn nói với Bộ trưởng là trách nhiệm cá nhân chúng ta có quy đến cùng không hay chỉ là tập thể?  Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thẳng thắn trả lời nhận rõ: Dự án ĐS Cát Linh-Hà Đông chậm do tư vấn trong nước và Ban quản lý dự án đều có yếu kém, tổng thầu có vấn đề; cán bộ ngành đường sắt trình độ cũng hạn chế nên khi triển khai lúng túng; khi ký hiệp định vay vốn, phía Trung Quốc được chỉ định tổng thầu Trung Quốc, không phải thi tuyển; tổng thầu này xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành thì thiếu kinh nghiệm. Bộ đã cùng với cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra vào cuộc để kiểm tra tất cả vấn đề đội vốn, những cá nhân, đơn vị vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tại cuộc họp trực tuyến với Ban Quản lý Dự án đường sắt ngày 02/6/2020, Bộ GTVT đã không chấp nhận việc tổng thầu Trung Quốc đề nghị ứng 50 triệu USD trước khi chạy thử, sau đó tổng thầu dự án phải chấp nhận và hợp tác. Đồng thời Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện giải pháp thuê đơn vị tư vấn độc lập (ACT của Pháp) để đánh giá an toàn hệ thống.

Như vậy rõ ràng, báo chí, truyền thông và các cơ quan chức năng đã tuyên truyền đầy đủ thông tin về bản chất dự án, đối tác, những khó khăn, những sự chậm trễ và trách nhiệm của các bên; vào cuộc làm rõ trách nhiệm để xảy ra đội vốn, chậm trễ. Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước và các cơ quan chức năng cũng thường xuyên giám sát, chất vấn, yêu cầu làm rõ trách nhiệm liên quan.

Dù đến nay dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã cán đích nhưng bài học rút ra từ dự án này là hết sức chua xót và đắt giá trong việc hợp tác quốc tế nhất là đối với các công trình quốc kế dân sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét