Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

HIỂU CHO ĐÚNG VỀ “CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC”


Dịch COVID-19 – một đại dịch đầy thách thức và chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Cho đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch và đang chuyển sang trạng thái mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Trong bối cảnh mới, cụm từ “chống dịch như chống giặc” không còn được dùng nhiều như trước nhưng chúng ta vẫn gặp trên thực tế. Thế nên hiểu đúng về cụm từ này để không mắc mưu bởi những luận điệu bóp méo, xuyên tạc của kẻ xấu vẫn rất cần thiết.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, cùng với thế giới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đoàn kết, đồng lòng, chung sức tập trung phòng, chống đại dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân. Để động viên, khích lệ huy động toàn dân vào cuộc chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xác định: “Chống dịch như chống giặc”. Điều ấy là hoàn toàn phù hợp đạo lý, truyền thống và thực tế Việt Nam. “Chống dịch như chống giặc” - đó là tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động nhằm bảo đảm cho “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đạt kết quả cao nhất, chiến thắng nhanh nhất.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu, cũng đồng thuận và vận dụng đúng cụm từ này. Có ý kiến cho rằng dùng cụm từ "chống dịch như chống giặc" là quá đề cao công tác này và chưa chuẩn về ngữ nghĩa. Có ý kiến lại cho rằng dùng cụm từ “chống dịch như chống giặc” là một sự lên gân, dễ khiến cho nhân dân hoang mang, lo sợ, hoảng loạn trước diễn biến của đại dịch. Thậm chi có người còn so sánh và cho rằng ở các nước phương Tây người ta có cần hô hào “chống dịch như chống giặc” đâu mà họ vẫn thành công… Vậy chúng ta nên hiểu cụm từ này như thế nào cho đúng?

Trước hết theo Đại từ điển tiếng Việt, giặc được hiểu là: “Kẻ tổ chức thành lực lượng vũ trang, chuyên đi cướp phá, làm rối loạn an ninh, gây tai họa cho cả một vùng, một nước” hoặc là “ Cái gây nguy hại cho cuộc sống con người”{1}. Cái gây nguy hại ở đây được hiểu là giặc đói, giặc dốt, giặc thiên tai, giặc dịch bệnh…. Như vậy về mặt ngữ nghĩa, Đảng và Chính phủ ta gọi đại dịch Covid-19 là một loại “giặc” và dùng phép so sánh trong cụm từ "chống dịch như chống giặc". Cùng với đó, Đảng và Chính phủ ta còn kêu gọi, động viên toàn dân tham gia vào cuộc chiến ấy với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”. Điều ấy là hoàn toàn đúng về ngữ nghĩa và phù hợp với thực tế.

Mặt khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Đại dịch này cực kỳ nguy hiểm vì tốc độ lây lan của nó rất nhanh và có nhiều biến thể mới; nguy cơ tử vong khi nhiễm rất cao; diễn biến tình hình phức tạp, khó lường nên chống đại dịch được Chính phủ Việt Nam xác định là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu hiện nay. Từ tính chất nguy hiểm ấy mà cuộc “chiến đấu” chống dịch bệnh này được ví như chống giặc ngoại xâm.

Hơn nữa, giặc ngoại xâm thì chúng ta có thể nhìn thấy bằng con người với vũ khí giết người cụ thể nhưng virut gây ra bệnh viên đường hô hấp cấp COVID-19 thì không thể nhìn thấy bằng mắt thường mà chỉ phát hiện ra nó qua trang thiết bị y tế khi đã nhiễm bệnh. Mặc dù rất nhỏ không nhìn thấy nhưng sự nguy hiểm của COVID-19 không kém gì giặc ngoại xâm, nó đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe Nhân dân; tác hại mà nó gây ra với đời sống kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước là vô cùng lớn. Cho nên Việt Nam xem đại dịch Covid-19 là kẻ thù vô hình và xác định quyết tâm phải đồng lòng, chung sức “chiến đấu” ngăn chặn, chiến thắng nó. Luật Quốc phòng Việt Nam cũng coi dịch bệnh là tình huống an ninh phi truyền thống. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam xác định phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ chiến đấu thời bình. Vì thế nói “chống dịch như chống giặc” là hoàn toàn đúng.

Mặt khác thực tế ở Việt Nam, “trong dịch có giặc” đó là các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên mưu toan lợi dụng công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 để tiến hành các hoạt động nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Bên cạnh đó ngay trong chính nội bộ cũng có những suy nghĩ và việc làm sai trái, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, làm cho dịch lây lan nhanh; lợi dụng diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch để trục lợi; kích động tụ tập, gây rối an ninh trật tự; tung tin giả gây hoang mang trong xã hội... Đó là những hành vi rất nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm và phải kiên quyết đấu tranh để loại bỏ thứ “giặc” ấy ra khỏi đời sống xã hội.

Trên thực tế bằng tư tưởng chủ đạo và phương châm hành động ấy, trong gần 2 năm chiến đấu với “giặc COVID-19”, Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, giải pháp vừa cơ bản, thiết thực, cụ thể, trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch không hề có tình trạng hoang mang, lo sợ hay hoảng loạn. Những kết quả đạt được trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 đã khẳng định tinh thần chủ đạo “chống dịch như chống giặc” mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam xác định là không sai về ngữ nghĩa và hoàn toàn đúng, phù hợp với thực tế.

Vấn đề là ở chỗ chúng ta sử dụng cụm từ ấy vào từng văn cảnh cụ thể sao cho phù hợp và tần suất ra sao để không trở thành lạm dụng. Nói nghe thì dễ, nhưng chúng ta phải hiểu đằng sau câu khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc" ấy là biết bao vấn đề liên quan trực tiếp, sát sườn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, liên quan đến ý chí, quyết tâm chống dịch và sự phục hồi của nền kinh tế... Nếu chúng ta sử dụng đúng và vừa độ thì sẽ góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; động viên, khích lệ tinh thần, ý chí, quyết tâm của nhân dân. Ngược lại nếu chúng ta dùng không hợp ngữ cảnh, lạm dụng thì có khi lại phản tác dụng, ảnh hưởng không tốt đến công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Do đó nói và viết cụm từ "chống dịch như chống giặc" ở đâu, vào lúc nào, như thế nào,... đòi hỏi chúng ta phải rất thận trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét