Từ
“bệnh” ở đây được hiểu theo nghĩa là “thói xấu”. Vấn đề ở chỗ những cách hành
xử được coi là “bệnh” này lại phát tác mạnh vào khoảng thời gian trước mỗi kỳ
bình bầu thi đua cuối năm, bỏ phiếu quy hoạch, tín nhiệm... Lạ ở chỗ, cứ ủ bệnh
rồi bùng phát vào thời điểm trước bỏ phiếu, nhưng sau đó, lại nhẹ nhàng biến
mất triệu chứng ngay sau khi phiếu được kiểm xong không lâu. Tuy không phải là
phổ biến, nhưng bệnh này, bệnh khác đã xuất hiện ở không ít địa phương, cơ sở,
cơ quan, đơn vị.
Xin điểm qua vài dấu hiệu
để mỗi cá nhân, tập thể tự nhìn nhận và đánh giá mức độ bệnh của những ai đó,
cốt tìm ra phương thuốc hữu hiệu để chữa dứt điểm, tránh thành dịch bùng phát.
BỆNH TỐT ĐỘT XUẤT
Mà tốt thật! Tự dưng sếp
đang khó tính, nguyên tắc đến cứng nhắc là thế, vốn chẳng quan tâm đến những
người ở bên, bỗng dưng trước khi bỏ phiếu bổ nhiệm lại chức Trưởng phòng vài
tuần, bỗng dưng quan tâm cấp dưới một cách đột ngột. Từ chuyện: Con ốm hả? Khổ
thân cháu quá, em cứ nghỉ nhé, khi nào cháu đỡ thì đi làm không sao (quay ngược
lại 180 độ với thái độ gắt gỏng trước kia: Ốm thì ốm, chỉ nghỉ một tiếng đi
khám thôi đấy, thời giờ vàng ngọc mà cô cứ thế tôi trình tổ chức cho cô nghỉ.
Con cô ốm chứ có phải cô đâu?); tới chuyện: Anh thấy chú dạo này gầy rộc, nhà
thì xa, thôi chịu khó 4 rưỡi tan sở về cho sớm sủa nhé, cứ cầy cuốc tới đêm thế
không khéo mà lại thành xác ve, việc cố làm được chừng nào thì làm, còn thì đưa
tôi giúp”(trong khi chỉ cách có vài ngày trước thì gắt lên yêu cầu nhân viên ở
lại làm đến khuya cho xong việc, trong khi sếp đi nhậu cả tối). Và thế là, tự
dưng đang kỹ tính, dò xét từng ly từng tý, chuyển sang mát mẻ như trời thu;
đang vốn như “mắm tôm” bỗng thành chè thập cẩm. Nhân viên thấy trưởng phòng
thay đổi, thấy cũng dễ chịu, phấn khởi, tự dưng lại được đi muộn về sớm, để ý
từ chuyện con ốm tới vợ chưa xin được việc làm, được bê trễ tý trong việc này,
việc khác… Thế là thay vì bức bối bực dọc như trước, chuyển sang thì thầm với
nhau “Sếp cứ tốt thế này, anh em được nhờ. 1 lá phiếu chứ mười lá phiếu mình
cũng bỏ cho sếp”. Mà bỏ thật, bỏ đến cả trăm phần trăm. Ý kiến góp ý ngày hội
nghị cũng thưa thớt hơn, không khí họp cũng giảm bề căng thẳng.
BỆNH SO BÓ ĐŨA NHƯNG
KHÔNG CHỌN CỘT CỜ
Ấy là bệnh tính toán nhân
sự trong thi đua. Chuyện là năm nay đến kỳ có thể lên lương trước hạn của sếp
phó, đến kỳ chuẩn bị thi chuyên viên chính của anh Trưởng phòng, nên cứ thế tự
động đến thời điểm bỏ phiếu, sếp phó với anh trưởng phòng được 2 suất Chiến sĩ
thi đua với tỷ lệ nhất trí cao tuyệt đối. Vấn đề ở chỗ, anh em không ai tức tối
cả, mà tự nguyện, hỉ hả bỏ phiếu, rồi thậm chí để hợp lý hóa, còn buông những
lời khen trong công tác của 2 “cột cờ”, để ghi vào biên bản cho khớp. Lý do đơn
giản, năm sau, “hai bác” đạt ý nguyện rồi, thì nhường cho chúng em. Vậy là cả
làng cùng vui, bó đũa nào chẳng chằn chặn như nhau, cớ sao cứ phải tìm cờ, đến
sứt đầu mẻ trán vì tờ phiếu với vài dấu nhân kia chứ?
BỆNH DÌM HÀNG, HẠ BỆ
Chẳng
thể kể hết các mánh thường xảy ra trước mỗi kỳ xét thưởng, lên lương hay thi
đua, quy hoạch. Nào là đơn tố cáo nặc danh anh A có vấn đề này, chị B có lỗi
nọ, đạo đức, lối sống không nghiêm túc. Rồi tin đồn rỉ tai việc toàn đại sự cả
liên quan tới các nhân vật có thể có phiếu cao trong đợt này. Một đồn mười,
mười đồn trăm, đơn từ bay tới tấp. Và thế là đến lúc bỏ phiếu, không ít người
phân tâm, nhất là khi lá đơn kia, tin đồn nọ chưa được kết luận rõ ràng. Người
có lỗi đã đành, người ngay nhiều khi thành thất bại thảm hại vào kỳ bỏ phiếu
bởi những tờ giấy tích vào cột không đồng ý kia.
BỆNH NHƯỜNG SẾP
Ai đó vẫn nghĩ, suy cho
cùng, nhường sếp là tốt cho sếp, nhưng tốt cho mình, sếp được vui vẻ phấn khởi,
được khen thưởng, lại úy lạo cho mình chút quan tâm. Ối kẻ xu nịnh còn chạy ra
nói nhỏ: Anh thật xứng đáng, em là em tích đồng ý anh đầu tiên, chẳng cần suy
nghĩ. Sếp được khen, được tăng lương, được thưởng đột xuất… sếp chẳng thể từ
chối nổi, vì nhân viên nhiệt tình … nhường nhịn đến cùng. Đến cả suất đi nghỉ
mát, đi nước ngoài, anh em cũng sẵn sàng nhường nốt. Nhiều khi việc “đánh giá
cao” sếp xuất phát từ nhóm nhỏ, nhưng cứ nhìn nhau, so đo, rồi ánh mắt sếp cứ
như nhận ra là mình định không bỏ phiếu, vậy là thôi, hòa cùng một nhịp cho
xong, không lại bị trù dập, để ý. Và thế là cứ đến hẹn lại lên, năm nào sếp
cũng là cột cờ cao nhất.
BỆNH BÈ PHÁI
Làm gì cũng phải “có hội
có thuyền”, chỉ một cái rỉ tai, một loạt phiếu tích đồng ý có thể xuất hiện, và
cũng cả loạt ấy có thể gạch thẳng vào cột bên cạnh không chút lăn tăn. Bè phái,
lợi ích, cục bộ, địa phương có cả. Trước kỳ bỏ phiếu đôi khi lại xuất hiện
những “mối thân tình” bên bàn nước, anh em “đồng hương đồng khói” kết nối, cùng
hướng về một mục tiêu “hạ bệ” ai đó, hay “tôn vinh” người nọ, người kia.
BỆNH NÓI MỘT ĐẰNG, LÀM
MỘT NẺO
Bất nhất giữa lời nói và
hành động, đóng góp ở hội nghị thì khen 8 phần, chê chỉ 2. Thống nhất đề nghị
khen thưởng, bình bầu, ấy thế mà đến lúc quyết bằng lá phiếu, tỷ lệ tụt thảm
hại. Hóa ra, “miệng nói mà tay không làm”. Không ít người dở khóc dở cười khi
đang phấn khởi, bởi đồng nghiệp đánh giá tốt ở hội nghị, nhưng rồi phiếu lại
chẳng vượt nổi 50%. Nhiều khi ức mà cũng chịu, đâm ra thành nghi ngờ người này,
kẻ khác chẳng công tâm với mình. Nghi kị, cảnh giác với nhau trong tập thể cũng
vì thế mà phát sinh. Mất đoàn kết, lục đục cũng từ đây mà hình thành, phát
tác….
Kể ra vài căn bệnh, mới
chỉ là những phác thảo ban đầu, còn “muôn hình vạn trạng”, hay những dị bản thì
không thể liệt kê hết được. Có điều, những căn bệnh này suy cho cùng thường
xuất hiện ở những “cơ thể” yếu, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng không cao;
tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, không tốt; mỗi cán bộ, đảng viên
chưa thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.
Sếp có nhỡ phát bệnh “tốt
lên đột xuất” mà nhân viên nghiêm túc, công tâm, thẳng thắn góp ý, không lợi
dụng việc này để vì cá nhân mình (được đi sớm, về muộn, được nới lỏng trong thực
hiện nhiệm vụ), công tâm trong đánh giá, thẳng thắn trong phê bình thì hẳn bệnh
đã lành và sếp sẽ tốt lên thật chẳng phải vì cái mùa bỏ phiếu kia. Bệnh “so bó
đũa chẳng chọn cột cờ”cũng chẳng còn cơ hội tái phát nếu tập thể tuân thủ
nguyên tắc thi đua khen thưởng, tôn vinh người làm tốt, cách làm hay, mỗi người
cùng công tâm đánh giá, dựa trên việc hoàn thành công việc được giao, trách
nhiệm và nỗ lực. Chẳng phải vì thời điểm đặc biệt lên lương trước hạn hay cái
chức danh chuyên viên, âu cứ làm tốt là được thành cột cờ nêu gương cho tập
thể. “Dìm hàng hạ bệ” hay “bè phái”, “nói một đằng làm một nẻo” sao có chỗ trú
chân nếu như người đứng đầu nghiêm túc làm gương, tổ chức Đảng phát huy sức
chiến đấu, đảng viên dũng cảm đấu tranh với thói hư tật xấu. Chỉ khi người cán
bộ, đảng viên tự đầu hàng với chính bản thân mình, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” để biến mình thành nô lệ cho những thói xấu thì những căn bệnh kia mới
phát tác, hoành hành. Thẳng thắn chiếu theo tiêu chuẩn, quy chế, chẳng mắc bệnh
“a dua”, “nhìn theo”, hay mềm lòng nịnh cấp trên thì sao có dịch bệnh “nhường
sếp” đến cả kỳ nghỉ mát?
Cơ thể có sức đề kháng
tốt, bệnh dịch mới bớt hoành hành. Mà sức đề kháng ấy không phải từ trên trời
rơi xuống, mà do tự thân vận động, tự tích lũy mà thành. Mỗi cá nhân đảng viên
tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, dám nói,
dám làm, dám chịu trách nhiệm; mỗi tổ chức Đảng nâng cao sức chiến đấu, đấu
tranh với thói hư tật xấu; cấp ủy – lãnh đạo phối hợp chặt chẽ trong đánh giá,
nhận định cán bộ, đảng viên… thì cũng đủ để tạo nên một sức đề kháng tốt, chống
lại những thứ gọi là bệnh mỗi độ đến kỳ bỏ phiếu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét