Thời gian vừa qua, trên trang mạng xã hội, có bài
viết: “Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang lạc nhịp”. Nội dung bài viết đã phủ
nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là quan
điểm thiếu khách quan, sai lầm và có mục đích chính trị không trong sáng, nên
cần bác bỏ, bởi lẽ:
Kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế phản
ánh trình độ phát triển nhất định của văn minh nhân loại. Đây là mô hình kinh
tế mà trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu,
giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường... Cho
nên, kinh tế thị trường là giá trị chung của nhân loại, chứ không phải chỉ là
thành tựu riêng của chủ nghĩa tư bản. Ở mỗi quốc gia, việc phát triển kinh tế
thị trường được vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước. Chẳng hạn,
mô hình kinh tế thị trường tự do ở Mỹ, kinh tế thị trường phúc lợi ở Thụy Điển
hay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc… Vì vậy, Việt Nam
lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là điều dễ
hiểu. Điều này phù hợp với quy luật cũng như thực tiễn Việt Nam, hoàn toàn
không như sự xuyên tạc, bịa đặt của Nguyễn Ngọc Gia.
Cảnh giác với âm mưu chống phá đường lối của Đảng
trước thềm Đại hội XIII. Mỗi kỳ đại hội, là sự kiện chính trị trọng đại của
toàn Đảng, toàn dân, của cả dân tộc; vừa là bước ngoặt quan trọng đánh dấu
chặng đường phát triển trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (2021 – 2025), sẽ quyết định nhiều vấn đề trọng
đại để tiếp tục kiên định phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, là khoảng thời gian cận kề hướng tới những sự kiện trọng đại kỷ niệm
100 năm thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2030) và sau đó là 100 năm thành lập
nước (2/9/1945 – 2/9/2045). Lợi dụng chủ trương công khai, lấy ý kiến dân chủ
để nhân dân tham gia góp ý vào Báo cáo chính trị trước khi diễn ra Đại hội XIII
của Đảng vào tháng 01 năm 2021, thì các thế lực thù địch cùng các phần tử cơ
hội chính trị ở ngoài nước, trong nước đã phối hợp với nhau để gia tăng các
hoạt động chống phá đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa là điều dễ hiểu và cần cảnh giác.
Mục đích chính trị của các thế lực thù địch, cơ hội
chính trị là làm mất lòng tin của quần chúng vào Đảng. Sức mạnh của một đảng
chính trị nói chung, của Đảng ta nói riêng là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong
đó niềm tin là yếu tố quyết định nhất để tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa nhân
dân với Đảng và giữa Đảng với nhân dân. Cơ sở tạo nên niềm tin của nhân dân đối
với Đảng là từ nhận thức đúng về mục đích hoạt động lãnh đạo và thành tựu cách
mạng đạt được trên thực tế, về tương lai tốt đẹp do lựa chọn con đường phát
triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp xu thế thời đại, là vì quyền lợi
được thụ hưởng của người dân.
Chúng ta tin tưởng rằng, nhân dân ta không bao giờ mắc
mưu những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch mà luôn tỉnh táo, tin tưởng
vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng
suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét