Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

SỰ ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC LÀ VẤN ĐỀ MANG TÍNH QUY LUẬT

 

Năm 2011 có một bước chuyển mới trong giáo dục, khi mà Đại hội Đảng toàn quốc khai mạc vào mùa xuân trong đó có đề cập việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Theo báo cáo Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) thì sự cần thiết phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục dựa trên các lí do sau đây:

Qua ba lần cải cách và quá trình đổi mới những năm gần đây, giáo dục Việt Nam (bao gồm cả đào tạo, sau đây gọi chung là giáo dục) đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao đòi hỏi giáo dục phải đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân, nhanh chóng góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, khoa học giáo dục và sự cạnh tranh quyết liệt trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia đòi hỏi giáo dục phải đổi mới.

Đổi mới giáo dục, đây là vấn đề mang tính quy luật tất yếu khách quan trước sự phát triển của xã hội loài người. Vấn đề ở chỗ là trong quá trình thực hiện, theo quy luật, những sự thay đổi về lượng chỉ có thể dẫn tới những sự thay đổi về chất với điều kiện lượng phải được tích lũy tới giới hạn điểm nút.

Do đó, trong công tác thực tiễn cần phải khắc phục tư tưởng nôn nóng tả khuynh; mặt khác, theo tính tất yếu quy luật thì khi lượng đã tích lũy đến giới hạn điểm nút sẽ tất yếu có khả năng diễn ra bước nhảy về chất.

Vì thế, cũng cần khắc phục tư tưởng bảo thủ hữu khuynh trong công tác thực tiễn. Tả khuynh chính là hành động bất chấp quy luật, chủ quan, duy ý chí, không tích lũy về lượng mà chỉ chú trọng thực hiện những bước nhảy liên tục về chất.

Hữu khuynh là sự biểu hiện tư tưởng bảo thủ, trì trệ, không dám thực hiện bước nhảy, mặc dù lượng đã tích lũy tới điểm nút và quan niệm phát triển chỉ đơn thuần là sự tiến hóa về lượng.   

Vì bước nhảy là hết sức đa dạng, phong phú, do vậy, cần phải có sự vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy cho phù hợp với từng điều kiện, từng ngành học và cấp học cụ thể của giáo dục.

Do đó cần phải nâng cao tính tích cực, chủ động của chủ thể giáo dục để thúc đẩy quá trình chuyển hóa từ lượng đến chất một cách hiệu quả nhất.

Với những ý nghĩa trên đây, chúng tôi hy vọng rằng chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện của Đảng và Nhà nước sẽ đem lại hiệu quả mới tích cực cho nền giáo dục Việt Nam và thành công tốt đẹp.                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét