Gần đây, trên mạng xã hội, diễn đàn truyền
thông và thậm chí ở một số nghị trường, cụm từ “dân sự hóa quân đội”, “dân sự
hóa hoạt động quân sự” xuất hiện, gây ra không ít tranh luận đa chiều. Đáng lo
ngại là việc nhận thức về nội hàm, bản chất của cụm từ này chưa đầy đủ, thậm
chí còn sai lệch nghiêm trọng- được xem là dấu hiệu ban đầu nhưng khá rõ nét
của biểu hiện “tự diễn biến” trong chính một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai
trò, vị trí, chức năng và đặc thù hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Trước hết, đó là những
“hiến kế” phiến diện về việc cân đối lại ngân sách quốc gia, theo hướng giảm tỷ
lệ GDP đầu tư cho hoạt động quân sự và sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các ý kiến này cho rằng, nên “dân sự
hóa quân đội” theo “lối” phát huy đơn thuần các nguồn lực xã hội để thực hiện
nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà không nên tập trung đầu tư xây dựng “đội quân
chủ lực”, gây ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế.
Đây thực chất là cách nhìn thiển cận, phiến
diện, chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).
Hơn nữa, đặt trong mối quan hệ giữa “xây dựng” và “bảo vệ” Tổ quốc, thì yếu tố
bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đất
nước ổn định, phát triển về kinh tế và các lĩnh vực khác. Như vậy, nếu không
đầu tư chăm lo, xây dựng quân đội thì cũng đồng nghĩa với việc xem nhẹ, hạ thấp
nhiệm vụ BVTQ.
2. Từ việc không nhận thức đầy đủ vai trò, vị
trí, chức năng, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam, một số ý kiến đưa ra lập luận, so
sánh mức lương của sĩ quan quân đội và các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực
quân sự với thu nhập của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung.
Đáng buồn là từ những ý kiến chưa toàn diện ấy, một bộ phận quần chúng do thiếu
thông tin nên đã “a dua”, “cổ xúy”, “thêu dệt”… thông qua các trang mạng xã hội
và tin đồn xã hội, tạo nên những luồng thông tin khó phân biệt đúng sai, ảnh
hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý xã hội.
Nguyên nhân của hiện tượng này trước hết bắt
đầu từ việc chưa hiểu đúng về tính chất, đặc thù hoạt động quân sự gắn với tình
hình đất nước và yêu cầu BVTQ ngày càng cao. Phản ứng lại ý kiến này, ngay trên
nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã phân tích rõ đặc thù hoạt động 24/24
giờ của cán bộ, chiến sĩ quân đội; với tính chất, cường độ ác liệt, khó khăn,
thử thách con người trên nhiều phương diện; đòi hỏi sự đánh đổi không chỉ bằng
mồ hôi mà còn bằng máu của cán bộ, chiến sĩ. Các ý kiến đều thống nhất cho
rằng, lương của sĩ quan quân đội chỉ là nguồn thu nhập duy nhất và mức lương ấy
cũng còn quá thấp so với lương sĩ quan quân đội các nước trên thế giới, chỉ bảo
đảm mức sống trung bình so với đời sống xã hội Việt Nam hiện tại.
3. Các biểu hiện tư tưởng, tư duy, nhận thức
nêu trên, khi vừa nghe qua, có thể giản đơn nhận định đây chỉ là những biểu
hiện đơn lẻ, vô hại, nhưng xét về thực chất, nhận diện một cách sâu sắc, có thể
khẳng định: Đây là một khuynh hướng sai lệch nghiêm trọng trong nhận thức và tư
duy, mang lại nhiều hệ lụy và hậu quả to lớn, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện
chức năng, nhiệm vụ của quân đội; tác động trực tiếp đến kết quả xây dựng quân
đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; chi phối nghiêm trọng
đến công cuộc xây dựng nền QPTD và tiềm lực sức mạnh quân sự đủ mạnh đáp ứng
yêu cầu BVTQ trong tình hình mới.
Để đẩy lùi các biểu hiện nêu trên, cấp ủy,
chính quyền địa phương các cấp cần chú trọng giáo dục, tuyên truyền uốn nắn,
chỉnh sửa kịp thời những nhận thức lệch lạc; quán triệt sâu sắc hơn nữa quan
điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng quân đội; kiên quyết khắc phục các hiện
tượng thụ động, hoặc chỉ hô hào chung chung mà trên thực tế không đấu tranh với
những lập luận “dân sự hóa quân đội” như thời gian qua. Cần vạch rõ bản chất
phản khoa học và tính chất nguy hiểm, cùng những tác hại của những quan điểm
nêu trên. Cần tổ chức lực lượng đấu tranh, tranh luận, đối chất, chất vấn với
những cán bộ, đảng viên, quần chúng có cách suy nghĩ thiển cận; nâng cao tính
Đảng, tính chiến đấu, tính khoa học, sự nhạy bén và sắc sảo trong kết hợp đấu
tranh phòng, chống các xu hướng “dân sự hóa quân đội” với các biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp
tục đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ dân trí, tạo ra sự
“miễn dịch” trong cộng đồng, tăng sức “đề kháng” để ngăn chặn, loại trừ sự thẩm
thấu và xâm nhập của các luồng tư tưởng, tư duy sai lệch về tính chất đặc thù
hoạt động quân sự; về vai trò, vị trí, chức năng của QĐND Việt Nam; tin tưởng
sâu sắc vào truyền thống, bản chất của QĐND Việt Nam anh hùng và phẩm chất tốt
đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Làm được như vậy thì dù các thế lực thù
địch có chống phá quyết liệt; âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội có
thâm độc và tinh vi như thế nào chăng nữa, dù những nguy cơ và biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” có phức tạp, chi phối tiêu cực thì cũng sẽ bị vô
hiệu hóa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét