Phải rất lâu sau khi cuộc chiến tranh tại Việt
Nam kết thúc, người Mỹ mới dần hiểu rằng, họ không thể dùng sức mạnh để đánh
bại ý chí giành độc lập của người Việt Nam.
Neil
Sheehan - nhà báo Mỹ, một trong những người phanh phui Tài liệu mật Lầu Năm Góc
ra trước công luận năm 1971 đã nhận định rằng: “Sau những năm dài tìm cách
khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của
mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị
những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu đúng như
vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng
của trí tuệ con người đối với máy móc”.
Sheehan, cựu phóng viên tờ The New York Times,
là tác giả hai cuốn sách giá trị về chiến tranh Việt Nam gồm “A Bright Shining
Lie: John Paul Vann and America in Vietnam”, cuốn sách đã đem lại cho ông giải
thưởng danh giá Pulitzer và “After The War Over: Hanoi and Saigon” (Sau chiến
tranh: Hà Nội và Sài Gòn). Ông đã viết trong cuốn sách thứ hai nói trên rằng:
“Chúng ta, những người Mỹ, vốn tự cho mình là
ngoại lệ của lịch sử, cũng có thể mắc sai lầm như phần còn lại của nhân loại;
chúng ta có thể thủ ác dễ dàng như khi làm việc thiện. Tất cả chúng ta đã quá
kiêu ngạo trong thời kỳ xấc xược ấy”.
“Chúng ta không thể hiểu được rằng chúng ta đã
theo đuổi những điều không tưởng và đã gây ra bi kịch tột cùng cho chính chúng
ta cũng như cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác tại Đông Dương”, tác giả
này viết tiếp và đi đến kết luận đi ngược lại hoàn toàn những luận điệu của
giới chức Mỹ trong suốt cuộc chiến, rằng Việt Nam chưa bao giờ là mối đe dọa
đối với nước Mỹ.
“Họ đơn giản chỉ muốn chúng ta trở về nhà, và
họ sẽ không bao giờ ngừng kháng cự, bất chấp họ và chúng ta phải trả giá thế
nào cho tới lúc chúng ta rút đi. Tôi mất năm năm để nghiệm ra điều đó”, Sheehan
viết trong cuốn sách xuất bản năm 1993.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara
(1916-2009), trong cuốn Hồi ký “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995, cũng đã nêu ra 11
sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, trong đó ông đánh giá về đối thủ như
sau:
“Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần
dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của
họ”.
McNamara cũng thẳng thắn nhận định: “Cách nhìn
nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về
lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và
tập quán của các nhà lãnh đạo của họ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét