Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

THỰC TIỄN LÀ CHÂN LÝ SOI ĐƯỜNG

 

Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò độc quyền lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người tự do, làm chủ; đưa dân tộc Việt Nam từ một nước bị Pháp, Nhật thống trị thành một nước tự do, độc lập; đồng thời, xây dựng và phát triển đất nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Những thành tựu đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng là điều không thể phủ nhận, vì thế, âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đòi “đa nguyên, đa đảng” với nhiều hình thức và mức độ khác nhau, dưới các chiêu bài khách quan để bảo vệ/bênh vực quyền lợi chính đáng của người dân, đòi dân chủ, đòi thực hiện xã hội dân sự, thành lập báo chí tư nhân… cũng đã bị nhận diện và chỉ ra.

Thực tế, những vấn đề cốt lõi trong đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam này không phải "là sai lầm và lạc hậu" của Đảng như thế lực thù địch nhận định mà đó chính là sự kiên định. Sự kiên định và bản lĩnh chính trị của một Đảng Mácxit Lêninnít do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Trong đó:

Một là, việc lựa chọn và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ thực tiễn lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp sáng tạo giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Ngay ở Hội nghị thành lập Đảng (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc” và quyết định “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”...

Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc có hướng đích chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này cho thấy, mục tiêu định hướng tương lai: Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa) là sự lựa chọn chính xác, đúng đắn của Đảng và ngọn cờ đó đã khơi nguồn sức mạnh nội lực của toàn dân tộc, làm nên một cuộc đổi đời lịch sử đối với mỗi người dân Việt Nam, đối với dân tộc Việt Nam.

Đảng luôn kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, bởi đây chính là con đường duy nhất đúng để đất nước Việt Nam phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc, bởi “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”. Việc tiếp tục kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã góp phần quan trọng làm nên những thành tựu của đất nước Việt Nam trong gần 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế.

Điều này không chỉ được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh mà còn tiếp tục được thể hiện trong quan điểm chỉ đạo đầu tiên của dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Tư tưởng xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng với thời gian, lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại cũng chứng minh rằng: Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận và đó là "một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi". Vì thế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) (Cương lĩnh 2011) của Đảng đã ghi rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động". Đó chính là thấm nhuần nguyên tắc: “Chỉ đảng nào được lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò người chiến sĩ tiền phong”. Đồng thời cũng chính là sự lựa chọn/kiên định của Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt hành trình xây dựng và phát triển chứ không phải là "bắt chước làm theo Trung Cộng" như Phạm Trần và nhóm người suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ấu trĩ suy nghĩ và viết.

Hai là, kinh tế thị trường là thành quả của văn minh nhân loại được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc và vận dụng một cách sáng tạo, đúng đắn, khoa học vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để trở thành "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Vì thế, từ bỏ chế độ kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, Đảng ta đã khẳng định “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó xác định rõ việc kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đồng thời, nhấn mạnh vị trí, vai trò của con người là động lực và cũng là mục tiêu cao nhất của sự phát triển…

Đại hội XII của Đảng (2016) đã tiếp tục bổ sung và làm rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Bước đột phá khoa học về tư duy lý luận này của Đảng dựa trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm, kế thừa có chọn lọc thực tiễn phát triển của nền kinh tế thị trường trong lịch sử và xuất phát từ bản chất nhân văn của chủ nghĩa xã hội để khẳng định đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét