Nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ
đạo đến nay, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, mặc
dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu,
chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta tiếp tục
phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên tất cả
các lĩnh vực.
Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh
phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích
cực, rõ rệt.
Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập
trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới,
sáng tạo, làm "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm vì lợi ích chung và làm "chậm" sự phát triển đất nước, mà
ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu
tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối
ngoại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Hơn thế
nữa, chúng ta càng cần phải kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu của các thế
lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán
bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", nhất
là vào dịp chúng ta đang chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đẩy mạnh
phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm "chùn
bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã chót "nhúng chàm"
và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức,
kinh nghiệm và bản lĩnh.
Có thể khẳng định rằng chưa bao giờ công tác phòng,
chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như
thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và
củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng,
Nhà nước.
Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó
khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn,
không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường
xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và
lưu ý nhiều vấn đề quan trọng, trong đó phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán
bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm chính, xây dựng văn hóa
tiết kiệm, không tham nhũng.
Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ vấn đề cốt lõi là
Đảng phải luôn luôn dựa vào nhân dân, lắng nghe nhân dân, gắn bó máu thịt với
nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được.
Ngược lại, việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí
căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm
các sai phạm.
Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải
biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham
nhũng, lãng phí.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây
dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp
thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ
hở" để "không thể tham nhũng".
Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính
sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của
"nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ",
ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.
Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải
trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm
tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh
phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng
đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích
chung.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra,
kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử
lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ
"tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong
"lồng" thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều
kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn,
không bị "tha hóa".
Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian
qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, chúng ta vững tin rằng,
với sự quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng
bộ của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã
hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới
đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham
nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước
ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và
niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét