Sự phát
triển của internet, đặc biệt là sự phát triển của các mạng xã hội đã tạo cho
người dân có cơ hội lớn để tiếp nhận thông tin, bày tỏ quan điểm và chia sẻ
thông tin của mình với xã hội. Trong cộng đồng mạng rộng lớn đó, những thông
tin được chia sẻ ngày một lớn và nó chứa đựng cả những thông tin tích cực và
tiêu cực.
Có những
thông tin tiêu cực được nhận biết khá dễ dàng. Tuy nhiên, cũng không ít thông
tin tiêu cực để nhận biết được nó không phải là đơn giản. Điều này một mặt do
các thế lực thù địch khi cung cấp thông tin muốn che lấp đi ẩn ý xấu xa của
chúng, muốn đưa những thông tin xấu ẩn danh vào những thông tin mà bề ngoài
“mới xem qua tưởng chừng như là tốt” để đánh lừa người xem. Mặt khác do bản
thân người cung cấp, chia sẻ thông tin vì sự nhận thức chưa đầy đủ nên đã cung
cấp, chia sẻ những thông tin “tưởng đúng nhưng lại rất nguy hiểm” trên cộng
đồng mạng, trong đó có rất nhiều những “triết lý hành động”, “triết lý sống” mà
khi nhận thức đúng thì đó là những triết lý “cùn”.
Điều này
rất nguy hiểm, nhất là đối với giới trẻ - những người vì nhiều lý do khác nhau
mà một phần lớn chưa có đủ khả năng để nhận biết đúng - sai, tốt - xấu, nhất là
đối với những thông tin “mới xem qua tưởng chừng như là đúng”, với những triết
lý “cùn” đang phổ biến trong cộng đồng mạng hiện nay. Do vậy, nhận diện, cảnh
báo và định hướng cho cộng đồng mạng hiểu đúng bản chất của những thông tin
“mới xem qua tưởng chừng như là đúng”, hiểu đúng bản chất của những triết lý
“cùn” là việc làm rất cần thiết.
Những
triết lý “cùn” này được thể hiện trên một số phương diện, trong đó có việc: so
sánh và đồng nhất giữa giàu và nghèo để rồi từ đó khuyên răn mọi người làm
những điều có ích và tránh xa điều xấu.
Trước
hết cần phải khẳng định rằng, việc khuyên răn mọi người làm những điều có ích
và tránh xa điều xấu là việc làm cần thiết, có ý nghĩa trong giáo dục, hoàn
thiện nhân cách con người. Tuy nhiên, nếu làm việc này từ những lý do không hợp
lý thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao, thậm chí còn dẫn đến những suy nghĩ
lệch lạc trong giới trẻ hiện nay.
Lướt qua
cộng đồng mạng xã hội, những câu “triết lý” sau đây xuất hiện ngày càng phổ
biến và được chia sẻ rộng rãi: “Đời này cõi tạm mà thôi. Giàu sang, nghèo khó
chết rồi như nhau: Cũng nằm dưới một hố sâu. Lấp xong là hết - nào đâu khác
gì!”.
Nhiều facebooker
khác không thể hiện bằng thơ và viết dưới dạng những câu tuyên bố có vẻ như là
đúng: “Xe đẹp hay xấu cũng chỉ dùng để đi. Nhà to hay nhỏ cũng chỉ dùng để ở.
Nhà hàng năm sao hay quán ăn vỉa hè cũng chỉ để ăn no. Ở đời không ai hơn ai gì
cả, muốn biết ai hơn thì đợi đến khi chết xem ai có nhiều khách viếng thăm hơn
thôi”.
Thậm chí
là trên một trang báo điện tử có uy tín ở nước ta hiện nay cũng trích dẫn những
câu “triết lý” trên và “giật tít” rất hùng hồn: “Thông điệp cuộc sống: Giàu hay
nghèo rồi cũng như nhau thôi.”
Những câu nói trên mới xem qua sẽ thấy “có vẻ đúng”
nhưng sự thực bản chất của nó như những “triết lý cùn”, phản ánh lệch lạc những
giá trị tốt đẹp mà nhân dân ta đang theo đuổi. Chính vì vậy không thể lấy đó
như những lý do để khuyên răn mọi người làm những việc làm tốt hơn. Nếu giàu và
nghèo rồi cũng như nhau thì tất cả những người lao động cần cù, chịu khó ngày
đêm làm ra của cải vật chất nuôi sống mình và xã hội sẽ trở lên vô nghĩa. Họ sẽ
bị đồng nhất và chẳng khác gì những kẻ lười biếng, ngày đêm ăn bám vào người
thân và xã hội. Việc đồng nhất này sẽ làm cho một bộ phận thanh niên lười biếng
càng lười biếng hơn. Nó không khuyến khích, động viên người lao động hăng hái
làm việc để làm giàu cho bản thân và cho đất nước.
Đành
rằng khi chết thì tất cả mọi người đều như nhau là không còn tồn tại trong xã
hội, không còn những quyền và nghĩa vụ như một công dân bình thường, không thể
đem theo tất cả những gì mình đã tạo ra. Nhưng không vì sự đồng nhất này mà quy
ra sự đồng nhất khác để rồi biến tất cả những người chết đều giống nhau trên
mọi phương diện. Có những người dù chết đi nhưng họ vẫn được đời sau nhớ đến và
biết ơn như những người hùng của đất nước. Ngược lại, có những người chết đi
nhưng ngàn đời sau vẫn còn oán trách.
Chết đi
không có nghĩa là hết. Với tất cả những gì con người đã làm khi sống thì dù có
chết đi nó vẫn còn ảnh hưởng đến những người sau. Nếu chúng ta làm những điều
tốt thì nó sẽ có những tác động tốt và được mọi người ghi nhận, lưu truyền. Nếu
làm những điều xấu thì sẽ gây ra những tác động xấu và sẽ bị oán trách. Do vậy,
điều quan trọng của mỗi người không phải là nhìn lúc chết để hành động mà phải
hướng về những người còn sống để hành động. Phải làm tất cả những gì có ích cho
xã hội và cho đất nước, trong đó có việc làm giàu chính đáng. Sự giàu có của
mỗi người sẽ góp phần cho sự giàu có của đất nước. Khi chết đi, dù con người
không thể đem theo tài sản của mình nhưng điều đó có nghĩa là họ đã để lại tài
sản cho thế hệ sau, cho đất nước.
Dù tất
cả mọi người đều sẽ chết và đây là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu để mọi
người lựa chọn được chết trong sự giàu sang hay chết trong sự nghèo khó thì có
lẽ tất cả mọi người đều muốn được chết trong sự giàu sang. Đây cũng là một ước
vọng chính đáng, phù hợp với qui luật phát triển của xã hội loài người là không
ngừng phấn đấu, phát triển vươn lên.
Do vậy,
khuyên răn mọi người làm những điều có ích và tránh xa điều xấu là cần thiết
nhưng phải trên cơ sở những lý do chính đáng, hợp lý, hợp với chuẩn mực đạo đức
và qui luật phát triển. Khuyên mọi người không tham lam nhưng không có nghĩa là
bảo họ không làm giàu, đồng nhất người giàu và nghèo mà trái lại phải khuyến
khích, ca ngợi những người biết làm giàu chính đáng bằng chính công sức của
mình, phù hợp với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét